Tết Nhâm Thìn 2012: Tăng gấp đôi lượng hàng dự trữ

ANTĐ - Sở Công Thương Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết sắp tới. Trong đó, riêng tháng tết (tháng 12 Tân Mão), lượng hàng hóa luân chuyển dự kiến đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 20-21% so với các tháng khác trong năm.

Nhu cầu mua sắm tháng tết sẽ tăng thêm hơn 20% so với thông thường

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đã lên kế hoạch chuẩn bị hơn 65.000 tấn lương thực cho tháng tết. Nguồn cung cho khu vực nội thành là các đại lý, mạng lưới của Tổng công ty Lương thực miền Bắc và các đơn vị thành viên, các hộ kinh doanh lẻ tại các chợ, khu dân cư. Ở khu vực nông thôn, phần lớn người dân tự túc hàng hóa.

Về mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thành phố dự kiến sẽ tiêu thụ từ 10.000 - 12.000 tấn lợn hơi/tháng và hiện tại, Hà Nội có thể tự túc được nguồn hàng này. “Tuy nhiên, do dịch bệnh và lưu thông hàng hóa ra ngoài địa bàn nên có những thời điểm thị trường vẫn bị thiếu cục bộ, chúng tôi phải khai thác thêm ở các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Nam” - ông Đồng cho hay.

Với mặt hàng thịt gia cầm, Hà Nội dự kiến tháng tết sẽ cần khoảng 6.000 tấn và thành phố có thể tự túc khoảng 62%, số còn lại đang liên hệ khai thác từ các tỉnh lân cận. Với mặt hàng thủy hải sản tươi sống và đông lạnh; rau, củ, quả, Hà Nội chỉ tự túc được tương ứng là 15% và 55% nhu cầu. Bởi vậy, Sở Công Thương đang tìm thêm các nguồn hàng cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường trong tháng tết. Các mặt hàng khác như: bánh mứt kẹo; rượu, bia, nước giải khát và xăng dầu, dự kiến nhu cầu tiêu dùng cũng tăng hơn khoảng 20% so với các tháng khác trong năm.

Theo ông Đồng, việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán cũng như dịp lễ Noel, Tết Dương lịch được giao cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp này phải đảm bảo dự trữ lượng hàng gấp đôi số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền được thành phố tạm ứng. Tại 561 điểm bán hàng bình ổn giá của Hà Nội, 9 mặt hàng thiết yếu phải dồi dào, đầy đủ và doanh nghiệp có thể mở thêm các điểm bán hàng bình ổn giá. Ban quản lý các chợ, các làng nghề cũng có trách nhiệm chỉ đạo các hộ kinh doanh chuẩn bị sẵn các mặt hàng: thịt trâu bò, thịt lợn, thịt gia cầm, rau củ quả… thực hiện văn minh thương mại.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đơn vị này đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ tết và đang triển khai thực hiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Mặc dù không được giao nhiệm vụ bình ổn giá nhưng vì là trung tâm thương mại lớn nên siêu thị BigC cũng đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm từ 6 tháng trước. Ông Laurent Bugeau - Giám đốc điều hành miền Bắc và miền Trung, hệ thống siêu thị BigC cho hay: “Đến thời điểm này, chúng tôi gần như đã chuẩn bị xong các loại giỏ quà tết với các mức giá, các loại hàng hóa khác nhau. Chúng tôi cũng đang tiếp tục thương lượng với các nhà cung cấp để có nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý, kèm theo các chương trình khuyến mãi cho khách hàng dịp cuối năm. Khách hàng có thể yên tâm về chất lượng và số lượng hàng hóa mua sắm cho dịp tết từ tháng 11 tới”.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long, siêu thị này đang cố gắng để hoàn thành bãi đỗ xe 2 tầng để mở rộng diện tích bãi đỗ xe, tạo thuận lợi hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, có thể đến Tết Nguyên đán năm nay, diện tích bán hàng của siêu thị này cũng được mở rộng.

Sở Công Thương Hà Nội nhận định, quý IV-2011, thị trường còn có nhiều yếu tố biến động khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng như: giá thế giới có xu hướng tăng trở lại vào cuối năm, lạm phát gia tăng ở nhiều nước, giá điện có khả năng được điều chỉnh và thiên tai làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa tại một số địa phương. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ nỗ lực cung cấp hàng hóa đầy đủ, ổn định thị trường để giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (tháng 1-2012) tăng ở mức thấp nhất. CPI cả năm 2011 cố gắng giữ ở mức tăng 18% so với năm 2010.

 Hapro và các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ thực hiện bình ổn giá khác sẽ tổ chức các phiên chợ tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời điểm giáp tết. Các mặt hàng được bày bán tại đây chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu như: mỳ chính, nước mắm, dầu ăn, bánh mứt kẹo... với giá bán bình dân, phù hợp với nhu cầu của người dân khu vực nông thôn và người lao động có thu nhập thấp.