Hà Nội:

Tết kém vui vì đào, quất mất mùa

ANTD.VN - Chỉ còn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, tuy thế không khí mua bán tại các làng hoa Hà Nội vẫn khá trầm lắng. Nếu như cuối năm 2015, thời tiết rét đậm, rét hại khiến người trồng đào, quất… đứng ngồi không yên thì giáp Tết năm nay, những trận nắng như mùa hè cũng làm người nông dân mất ăn mất ngủ.

Quất héo, đào tàn

          Thông thường, đáng lẽ thời điểm này khách chơi quất cảnh đã náo nức, tấp nập kéo nhau tìm đến chọn cây, đặt hàng ở làng quất Tứ Liên. Thế nhưng năm nay, chỉ có cảnh người bán với khuôn mặt buồn bã vẫn đang cố gắng chăm sóc những mảnh vườn còn sót lại. Trời nóng kéo dài dù đang giữa mùa đông khiến cho những cây quất cảnh thi nhau héo úa báo hiệu một năm thất thu nặng nề.

Các vườn quất Tứ Liên vắng người mua so với mọi năm

Liên tục tưới nước và bón thêm phân cho mảnh vườn gần 100 cây quất của mình, ông Đỗ Mạnh Hùng - chủ vườn quất Hùng Bình ở phường Tứ Liên cho biết: “Mặc dù đã chăm sóc rất kỹ, nhưng vườn của tôi cũng đã mất ít nhất 30% số cây dự định sẽ bán trong Tết năm nay. Với tình hình thời tiết nóng như thế này, chỉ cần lơ là độ khoảng nửa ngày thì số thiệt hại sẽ tăng lên rất nhanh. Mùa đông năm nay hanh, nóng và được coi là khắc nghiệt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đối với người nông dân trồng quất. Bây giờ chúng tôi chỉ mong chờ một cơn mưa thì may ra mới cứu vãn được tình thế”.

          Cũng trong cảnh bị thiệt hại nặng, ông Nguyễn Xuân Lan - chủ vườn quất Bình Lan cho biết mảnh vườn của mình đã hỏng đến 80% và bây giờ chỉ còn trông vào số quất bonsai để cố thu hồi vốn. Khác với quất trồng dưới đất phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì quất bonsai (trồng sẵn trong chậu cảnh) có phần đỡ thiệt hại hơn. Đây là loại quất cây nhỏ được trồng vào các bình gốm cao khoảng 50cm và chăm sóc theo chế độ riêng. “Tuy nhiên đã số người chơi quất Tết vẫn ưa chuộng loại quất trồng đất và đó mới là nguồn thu chính của nông dân. Nhưng năm nay, những vườn nào còn giữ được thì cũng không dám kỳ vọng sẽ bán được giá cao bởi quất sẽ khó mà đẹp như mọi năm” - ông Lan rầu rĩ nói.

Quất trồng đất chết gần hết, chủ vườn quất Bình-Lan chỉ còn trông vào số quất bonsai

Dọc con đường vào các vườn cảnh của phường Tứ Liên, quất hỏng bị chặt bỏ chất thành từng đống. Chị Phạm Thị Thắng, chủ một vườn quất bị chết hoàn toàn than trời: “Vườn của tôi cây chết gần hết. Cứ tính trung bình cây giống loại nhỏ có giá 50-100 nghìn đồng/cây, cây lớn là 200-300 nghìn đồng/cây, cộng với chi phí phân bón, nhân công chăm sóc suốt cả năm trời… cộng vào thì năm nay nhà tôi thiệt hại cả trăm triệu đồng rồi”.

Quất chết khô được người dân chặt chất đống ven đường

          Nếu người trông quất điêu đứng vì thời tiết thì dân trồng đào ở Nhật Tân cũng chẳng khá hơn. Anh Phạm Hùng Dũng - chủ một vườn đào cho biết, do không lường được thời tiết thay đổi nên nhiều gia đình vẫn tuốt lá cho cây như mọi năm. Chính vì vậy nên nhiều vườn hoa đã nở gần hết và buộc phải cặt cành bán đổ bán tháo ra chợ với giá chưa bằng 1/2 so với năm ngoái. Thậm chí rẻ hơn nữa cũng buộc phải bán nếu không sẽ mất trắng. “Năm nay, nông dân trông đào từng nghĩ sẽ có một mùa bội thu vì đã có lệnh đóng cửa rừng, nguồn đào rừng về Hà Nội sẽ chỉ còn rất ít. Nhưng với tình hình thời tiết như thế này thì cũng chẳng còn hy vọng gì nhiều” - anh Dũng cho biết.

Hoa ly bán rẻ như cho

          Trong khi thủ phủ của đào, quất Hà Nội đang trong cảnh đìu hiu thì dân trong hoa ly ở Tây Tựu còn buồn bã hơn. Vào dịp Tết, loại hoa này được dân Hà Nội khá ưa chuộng và có giá từ 25.000-30.000 đồng/cành thì nay nông dân đang phải cắn răng cắt bán với giá chưa tới 10.000 đồng/cành. Chị Đào Thu Huệ chủ một vườn hoa ly ở thôn Đăm (Tây Tựu) nói: “Trời nóng thế này, không bán cũng không được vì hoa chuẩn bị nở bung hết rồi. Riêng tiền mua củ giống của nhà tôi đã hết gần 100 triệu, trong khi đó hoa là mặt hàng không thể để lâu được. Thà bây giờ cắt sớm bán cho dân buôn chấp nhận lỗ còn hơn là mất trắng. Năm nay dân trông hoa coi như không có Tết”.

Đào Nhật Tân cũng mất mùa vì phần nhiều đã nở rộ

          Buộc phải bán tống bán tháo là tình canh chung của người dân Tây Tựu. Thậm chí nhiều hộ đã canh thời tiết và trồng muộn hơn so với năm ngoái từ 7-10 ngày nhưng cũng không cứu vãn nổi. Hàng loạt biện pháp nhằm hãm độ nở của hoa như tưới nước và che chắn ánh sáng bằng lưới nilon cũng được áp dụng nhưng có rất ít hộ hy vọng giữ được hoa để bán Tết.

Anh Trần Nguyên Khải ở làng Tây Tựu năm nay ngoài trồng trên mảnh vườn của gia đình còn sang cả Hoài Đức mở rộng thêm diện tích. Anh bảo: “Nhưng người tính không bằng trời tính, năm nay tôi làm càng lớn thì lỗ càng nặng vì thời tiết không lường hết được. Đa số giống hoa ly chúng tôi trông đều là ly Hà Lan đã có giá gần 20.000 đồng/củ. Nhưng vì có quá nhiều hộ cùng trong tình trạng phải thu hoạch sớm nên giá hoa bây giờ rớt thảm hại. Riêng vườn của tôi buộc phải cắt bán từ bây giờ đến rằm tháng Chạp chứ không thể đợi đến Tết được nữa”.