Test nhanh tiếp tục phát huy hiệu quả trong truy vết thần tốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước đây, Việt Nam chủ yếu dùng xét nghiệm RT-PCR là chính nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan rất nhanh hiện giờ, Việt Nam thay đổi sử dụng test nhanh là chính.
Test nhanh tiếp tục phát huy hiệu quả trong truy vết thần tốc ảnh 1

Test nhanh tiếp tục phát huy hiệu quả trong truy vết thần tốc

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương sáng 16-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị có thể gộp mẫu trong test nhanh. Trước đây mỗi mẫu test nhanh sử dụng 1 người nhưng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và vùng có dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế tính toán có thể sử dụng test nhanh gộp mẫu với 3 mẫu trong một mẫu test.

Điều này, vừa bảo đảm tiết kiệm các test kit, vừa truy vết thần tốc hơn nữa mà vẫn bảo đảm được kết quả độ nhạy của mẫu gộp.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, biến chủng Delta mới xuất hiện ở Việt Nam trong đợt dịch này có khả năng lây truyền mạnh, tốc độ nhanh. Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước. Virus phát tán mạnh nên chỉ cần trong nhà có 1 người dương tính thì hầu như cả nhà bị lây nhiễm...

Trong bối cảnh đó, test nhanh kháng nguyên được cho là phát huy hiệu quả trong giai đoạn cần phải truy vết thần tốc tại một số địa phương đang có tình hình dịch căng thẳng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trước đây Việt Nam chủ yếu dùng xét nghiệm RT-PCR là chính nhưng giờ Việt Nam thay đổi sử dụng test nhanh là chính. Việc này sẽ giúp giảm thời gian chờ kết quả xét nghiệm, tối ưu hóa việc xét nghiệm, trả kết quả thật nhanh để nhanh chóng phát hiện ra mầm bệnh, đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt.

Trước đó vào đầu tháng 6, Bộ Y tế đã bắt đầu thay đổi một số nội dung quan trọng trong chiến lược chống dịch nhằm khống chế tình hình phức tạp tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, trong đó có xét nghiệm.

Cụ thể, phương pháp xét nghiệm test nhanh được sử dụng cho các trường hợp có triệu chứng và thực hiện tại các khu vực tỷ lệ lây nhiễm cao và khu cách ly tập trung. Các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao thực hiện theo kế hoạch 72 giờ/lần, các khu vực cộng đồng 5 ngày/lần để tầm soát nguy cơ lan bệnh trong cộng đồng...

Kể từ khi thay đổi chiến lược xét nghiệm sang test nhanh để truy vết thần tốc ca bệnh so với tốc độ lây lan mạnh của biến thể Delta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, cuối tháng 6, dịch tại đây cơ bản được khống chế, các doanh nghiệp đang dần khôi phục lại sản xuất với quy định phải xét nghiệm sàng lọc theo quy định.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam có 7 sản phẩm test kit nhanh kháng nguyên đã được cho phép lưu hành, bao gồm 1 sản phẩm sản xuất trong nước và 6 sản phẩm nhập khẩu, giá từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/test kit.

Tháng 3/2021, sản phẩm test nhanh Trueline Covid-19 Ag Rapid Test của Công ty TNHH Medicon đã được Bộ Y tế đánh giá sản phẩm "made in Vietnam" đầu tiên đạt quy chuẩn và được cấp phép lưu hành.

Trong giai đoạn dịch căng thẳng, ngoài các test kit nhập khẩu, đơn vị sản xuất duy nhất trong nước là Công ty TNHH Medicon cũng đã cung cấp cho các địa phương có dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh hàng trăm nghìn test kit nhanh kháng nguyên và đã phát huy hiệu quả trong truy vết thần tốc tại một số điểm nóng, nhằm phát hiện nhanh nhất mầm bệnh.

Mới đây, đơn vị này cũng đã tặng cho TP Hồ Chí Minh 100.000 bộ kit test nhanh kháng nguyên để cùng với cả nước chung tay chống dịch tại địa bàn nóng bỏng này.

Sản phẩm do Medicon sản xuất có độ nhạy 96,3%, độ đặc hiệu là 99,75%, độ chính xác 99,02%, giá thành phù hợp đang được rất nhiều đơn vị, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đặt hàng.

Hiện nay, nhiều địa phương cũng triển khai test nhanh để sàng lọc các vùng nguy cơ và để làm giấy thông hành đi lại giữa các địa phương. Công ty đang cố gắng nâng cao năng lực sản xuất lên 4,5 triệu bộ kit Trueline Covid-19 Ag Rapid Test/tháng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.