Tên mới dự kiến của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên môi trường sau sáp nhập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự kiến, tên gọi mới của Bộ NN&PTNT cùng Bộ TN-MT sau sáp nhập là: Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.

Thực hiện Kế hoạch số 41 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12/2024, Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT sẽ tiến hành hợp nhất.

Theo đó, sau khi hợp nhất, Bộ có chức năng, nhiệm vụ, tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN-MT và Bộ NN&PTNT như hiện nay.

Sau khi Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường hợp nhất, dự kiến sẽ lấy tên mới là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 10/12 của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT đã đề xuất bổ sung thêm cụm từ "Nông thôn" vào tên gọi của Bộ sau khi hợp nhất, cụ thể là: "Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường". Sau đó Ban chỉ đạo đã thống nhất với đề xuất trên.

Trụ sở Bộ NN&PTNT hiện đặt tại số 2 Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội

Trụ sở Bộ NN&PTNT hiện đặt tại số 2 Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội

Theo lý giải của hai Bộ, việc đề xuất tên gọi của Bộ sau khi hợp nhất như trên bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của hai Bộ hiện nay; đồng thời tiếp tục khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông thôn.

Cũng theo Ban chỉ đạo, Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT sẽ tiến hành sáp nhập, tinh gọn các cục, vụ, đầu mối trực thuộc trước khi chính thức hợp nhất hai Bộ.

Đối với Bộ TN-MT: Dự kiến sau khi sáp nhập, tinh gọn cơ cấu tổ chức của Bộ sẽ giảm 1 Tổng cục, 4 Cục, Vụ/15 tổ chức quản lý Nhà nước chuyên ngành. Đối với các đơn vị sự nghiệp, tiếp tục duy trì 4/5 đơn vị có tên trong cơ cấu tổ chức của Bộ tại Nghị định số 68 năm 2022.

Đối với Bộ NN&PTNT: Dự kiến sau khi sáp nhập, tinh gọn cơ cấu tổ chức của Bộ sẽ giảm 1/8 đơn vị tham mưu tổng hợp, giảm 3/13 Cục quản lý chuyên ngành. Đối với các đơn vị sự nghiệp, tiếp tục duy trì 6/7 đơn vị có tên trong cơ cấu tổ chức của Bộ tại Nghị định số 105 năm 2022.

Trên cơ sở đề xuất sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hai Bộ. Ban chỉ đạo đã thống nhất đề xuất cơ cấu tổ chức của Bộ sau khi hợp nhất.

Theo đó, tổ chức cơ cấu của Bộ mới có 29 tổ chức, gồm 8 đơn vị tham mưu tổng hợp, 17 đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành, 4 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ trực tiếp công tác quản lý Nhà nước.