Tên lửa Sarmat tối tân vẫn chưa đủ sức thay thế Satan ra đời đã hàng chục năm

ANTD.VN - Tên lửa Sarmat là nỗ lực của Nga nhằm thay thế loại Satan sắp hết hạn sử dụng, nhưng nó lại chưa cho thấy bất cứ tín hiệu lạc quan nào.

Tiềm năng răn đe hạt nhân của Nga đã bị đặt dấu hỏi lớn sau khi vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat mới nhất thất bại, khi quả đạn phát nổ ngay trong hầm phóng.

Đáng chú ý, kể từ khi được tuyên bố "đã trực chiến" thì tên lửa Sarmat chỉ có duy nhất một lần phóng thành công và 4 lần thất bại, cho thấy vũ khí trên thực chất chưa hoàn thiện và đang bị "chín ép".

Tên lửa Sarmat là sản phẩm được Nga tạo ra nhằm thay thế loại Satan cũ, nhưng nó không cho thấy ưu thế vượt trội, thậm chí còn kém xa sản phẩm ra đời cách đây hàng chục năm.

Tên lửa đạn đạo chiến lược liên lục địa RS-28 Sarmat là một trong 5 loại vũ khí chiến lược thế hệ mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu trong thông điệp liên bang đọc hồi tháng 3/2018.

RS-28 Sarmat là quả tên lửa động cơ nhiên liệu lỏng có kích thước khổng lồ với chiều dài 36,3 m; đường kính thân 3 m và trọng lượng phóng tối đa lên tới 210 tấn.

Tầm bắn của RS-28 Sarmat theo quảng cáo lên tới 10.900 km, vận tốc tối đa Mach 20,7 (25.000 km/h), mang theo đa đầu đạn hạt nhân công suất lớn (10 đầu đạn hạng nặng hoặc 24 đầu đạn hạng nhẹ).

Đương lượng nổ của các đầu đạn trang bị cho RS-28 Sarmat theo quảng cáo có thể lên tới 50 MT, đủ sức hủy diệt khu vực với diện tích tương đương một bang của nước Mỹ và gần như không thể đánh chặn.

Đáng chú ý nhất là tên lửa Sarmat có thể thực hiện đường bay phức tạp nhằm ngăn cản khả năng nội suy điểm chạm của radar phòng thủ tên lửa và đưa ra biện pháp tiêu diệt.

Hệ dẫn đường siêu chính xác của RS-28 Sarmat mang lại vòng tròn bán kính sai lệch mục tiêu chỉ 10 m, cộng với đương lượng nổ cực mạnh khiến nó trở thành thứ vũ khí khủng khiếp.

Mặc dù thực tế là ICBM Sarmat hạng nặng của Nga được gọi bằng cái tên Satan-2, cho thấy sự tương đồng giữa hai sản phẩm, nhưng RS-28 lại thu về nhiều ý kiến nhận xét "chỉ là món đồ chơi" so với sản phẩm cũ.

Cụ thể, Sarmat bị đánh giá có khoảng cách rất xa so với tên lửa đạn đạo liên lục địa Satan của Liên Xô. Điều này là do tính năng kỹ chiến thuật và yếu tố tâm lý tác động mà ICBM ra đời từ lâu mang tới vẫn chưa thể vượt qua.

Theo các chuyên gia, sau khi nghiên cứu hình ảnh thực tế thì sức mạnh ước tính của các đầu đạn mà ICBM hạng nặng Sarmat mang được thực chất chỉ vào khoảng 7,5 - 10 MT, tương đương với 470 quả bom hạt nhân được thả xuống Hiroshima.

Trong khi đó ICBM R-36M Satan của Liên Xô có đương lượng nổ 20 MT (tối đa 26 MT theo một vài nguồn khác), tương ứng với gần 1.000 quả bom nguyên tử từng ném vào Hiroshima.

Các nhà phân tích cũng chú ý đến tác động tâm lý, mặc dù có thông tin Sarmat sẽ được trang bị đầu đạn dạng tàu lượn siêu vượt âm, nhưng điều này không dẫn đến bất kỳ sự hoảng loạn nào, trong khi Satan thực sự khiến cả thế giới kinh sợ.

Đây cũng được coi là tình trạng chung của nhiều vũ khí thế hệ mới do Nga chế tạo, khi chúng rơi vào tình trạng "bị chín ép", con đường để Moskva lấy lại vị thế của Liên Xô trước kia còn rất nhiều việc phải làm.