- Hải quân Indonesia mua tàu sân bay từ Italia để thực hiện... 'nhiệm vụ phi chiến đấu'?
- Tiêm kích tàng hình Su-57 sản xuất loạt sẽ có thêm nhiều tính năng mới
- Israel biên chế tổ hợp phòng không Spyder đầu tiên sau khi xuất khẩu khắp thế giới

Quân đội Nga bắt đầu sử dụng trên chiến trường Ukraine loại đạn mới mã 9M723-F3 cho tổ hợp tên lửa Iskander-M.

Trước tình hình trên, sự lo lắng đã xuất hiện trong Lực lượng vũ trang Ukraine, bởi loại đạn mới trang bị cho tổ hợp Iskander-M có tính năng kỹ chiến thuật rất đặc biệt.

Theo giải thích của các chuyên gia quân sự, tên lửa đạn đạo chiến thuật 9M723-F3 được trang bị đầu đạn nổ mạnh có thêm khả năng xuyên phá dựa vào cơ chế giữ chậm và động năng lớn.

"Với tốc độ tiếp xúc 950 - 1.150 m/giây, tên lửa mang đầu đạn giữ chậm này có khả năng xuyên sâu hàng chục mét xuống lòng đất hoặc đục thủng lớp sàn bê tông cốt thép dày vài mét", các chuyên gia cho biết.

Với tên lửa 9M723-F3, Nga sẽ dễ dàng phá hủy các sở chỉ huy, những cơ sở sản xuất máy bay không người lái... nằm sâu dưới lòng đất.

Lực lượng vũ trang Ukraine thường đặt những xưởng sản xuất UAV dưới boongke, không dễ phá hủy bằng các loại vũ khí thông thường.

Cho đến gần đây, Quân đội Nga vẫn sử dụng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal nhằm vào các mục tiêu như vậy và phần nào đã cho thấy hiệu quả nhờ động năng lớn và khả năng xuyên thấu cao của đạn.

Mặc dù vậy, vũ khí trên có giá thành đắt đỏ khó sản xuất số lượng lớn và việc sử dụng chúng để phá hủy, ví dụ như các xưởng ngầm sản xuất UAV, không phải lúc nào cũng là lựa chọn hợp lý.

Trong tình hình trên, tên lửa đạn đạo chiến thuật 9M723-F3 của tổ hợp Iskander-M có giá thành rẻ hơn nhiều là lựa chọn hợp lý.

Chưa dừng lại ở đầu đạn mới, báo chí phương Tây cho biết, Nga chuẩn bị sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa chưa có tên chính thức, nhưng được biết đến với cái tên Iskander-1000.

Tổ hợp này là hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M được hiện đại hóa sâu và có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1.000 km, gấp đôi tầm bắn hiện tại của phiên bản cũ.

Thông tin đầu tiên về quá trình phát triển Iskander-1000 đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vào tháng 7/2024. Sau đó hình ảnh về một quả đạn đặc biệt đã được nhìn thấy tại thao trường Kapustin Yar ở vùng Astrakhan.

Giới phân tích cho rằng phiên bản Iskander-M hiện đại hóa sẽ trở thành mắt xích trung gian giữa các mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn hiện có và Oreshnik tầm trung vừa được Nga giới thiệu.

Tổ hợp Iskander mới trang bị tên lửa có tầm bắn lên đến 1.000 km dự kiến sẽ được triển khai ở khu vực Kaliningrad. Nhờ tính cơ động, hệ thống này sẽ là đối trọng với những vũ khí tương tự hạng nặng hơn của NATO hiện có trong khu vực.

Tờ Military Watcha của Mỹ đánh giá: "Các tên lửa này dự định sẽ được triển khai ở lãnh thổ cực Tây của Nga - Kaliningrad, từ đó chúng có thể tấn công mục tiêu ở hầu hết Trung và Tây Âu, cũng như ở Biển Baltic".

"Iskander-M được sử dụng rộng rãi như một phản ứng phi đối xứng trước các lực lượng thông thường lớn hơn nhiều của NATO, do sự kết hợp giữa tính cơ động, độ chính xác cao, nhiều loại đầu đạn và quỹ đạo phức tạp khó đánh chặn, khiến vũ khí trên trở thành một tài sản quý giá".

Tên lửa đạn đạo Iskander-M là mục tiêu khó bị hệ thống phòng không đánh chặn và đã được Quân đội Nga sử dụng thành công để phá hủy nhiều vật thể khác nhau ở hậu phương Ukraine.

Đặc biệt, dữ liệu về việc Iskander-M được sử dụng để phá hủy hệ thống phòng không Patriot đã được khẳng định, cho thấy sự đáng gờm của vũ khí nói trên.

















