Tên lửa hành trình tầm xa của Nga thống trị thế giới đến bao giờ?

ANTĐ - Các loại tên lửa Kh-101 và Kh-102 trên máy bay ném bom chiến lược của Nga, hiện nay có tầm bắn tới hơn 10.000km, độ chính xác tới 1m, gấp hơn 3 lấn Tomahawk của Mỹ.

Đề cập đến tên lửa hành trình, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là loại tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, đã thể hiện được uy lực trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Tên lửa hành trình là loại tên lửa thông minh hành trình bay sát mặt đất, có khả năng bay linh hoạt vòng tránh chướng ngại vật, tấn công cả những mục tiêu được ngụy trang khéo léo. Tên lửa hành trình Tomahawk không chỉ làm thay đổi cục diện của chiến tranh vùng Vịnh, mà còn làm thay đổi nhãn quan quân sự và hình thái tác chiến trên thế giới.

Trong chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ đã sử dụng một số lượng lớn tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công chính xác tầm xa vào các mục tiêu trọng yếu của Iraq như: Sở chỉ huy, trạm radar, trận địa phòng không, công sự kiên cố, tàu thuyền lớn…, gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Iraq.

Tên lửa hành trình có uy lực tấn công rất lớn, khả năng tàng hình cao, tấn công chính xác. Lấy ví dụ là tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, nó sử dụng động cơ tên lửa thể tích nhỏ giúp tiết giảm trọng lượng phóng, nâng cao khả năng linh hoạt cho tên lửa trong suốt hành trình rất dài.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga có khả năng mang theo cả Kh-101 và Kh-102

Tomahawk được lập trình đường bay đến mục tiêu, sử dụng các điểm chuẩn, bản đồ số và hệ thống định vị GPS, để có thể lựa chọn tầm cao và tuyến đường bay đến mục tiêu. Tên lửa này cũng có thể điều chỉnh độ cao bay dưới 50m ở đoạn cuối, hoặc dựa vào các đặc điểm của mục tiêu, để điều chính góc độ tấn cống theo mặt phẳng ngang hoặc đâm bổ xuống theo một góc tà.

Tomahawk có khả năng tấn công đa dạng từ tất cả các phương tiện phóng mặt đất, trên không, trên biển và từ tàu ngầm. Với khả năng lập trình trước các tiêu điểm phòng ngự của địch trong hành trình bay nên tên lửa hành trình có khả năng qua mắt các radar cảnh báo sớm, vòng tránh các trận địa phòng không, tấn công bất ngờ và chính xác.

Tên lửa hành trình tầm xa tàng hình AGM-129 của Mỹ có phạm vi tấn công xa nhất hơn 3000km

Thế nhưng, điểm yếu lớn nhất của Tomahawk là hành trình hạ âm, tốc độ dao động trong khoảng 700-900 km/h nên rất dễ bị pháo, tên lửa phòng không và máy bay đối phương bắn hạ. Vì vậy, điều cốt lõi nhất trước khi sử dụng tên lửa hành trình là phải làm tê liệt hệ thống chỉ huy và radar của kẻ địch.

Mặc dù sử dụng biện pháp áp chế thông tin chỉ huy, điều khiển hỏa lực và radar dự cảnh nhưng trong chiến tranh Kosovo, quân đội Nam Tư cũng đã bắn hạ được 328 trong tổng số hơn 1000 quả tên lửa hành trình Tomahawk mà Liên quân Anh - Mỹ đã sử dụng, đạt tỷ lệ đánh chặn trên 30%.

Điểm yếu khác thể hiện qua 2 cuộc chiến Iraq và Kosovo là Tomahawk chỉ có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu cố định. Sau này Mỹ đã có những cải tiến lớn về khả năng tấn công mục tiêu cơ động bằng cách điều chỉnh đường bay trên hành trình và dẫn đường bằng vệ tinh đoạn cuối, thế nhưng khả năng này vẫn chưa được thử lửa qua bất cứ cuộc chiến nào.

Tên lửa hành trình “Trường Kiếm-10” (CJ-10) của Trung Quốc cũng có tầm bắn 3000km

Vấn đề quan trọng nhất cần cải thiện là tốc độ bắn của tên lửa hành trình. Hiện Nga là nước dẫn đầu về công nghệ tên lửa hành trình tầm xa. Các loại tên lửa Kh-101 và Kh-102 trên máy bay ném bom chiến lược của Nga hiện nay có tầm bắn tới hơn 10.000km, độ chính xác tới 1m. Kh-101 và Kh-102 còn có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, nhưng tốc độ của nó cũng mới đạt cận âm.

Các loại tên lửa hành trình của Nga hiện đang thống trị thế giới, cả Mỹ cũng phải e ngại các loại tên lửa hành trình cũ kỹ phóng từ trên không của Nga như Kh-22 Raduga (tầm bắn 600 – 800km) hoặc Kh-555 (trên 2000km), chứ không nói là 2 loại tên lửa kinh khủng trên. Ngoài ra, các thế hệ tên lửa hành trình Kaliber-S, Kaliber-K, Kaliber-N... cũng là nỗi kinh hoàng của các hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới.

Hiện nay, loại tên lửa hành trình tầm xa tiên tiến nhất của Mỹ là tên lửa hành trình tầm xa tàng hình AGM-129 nhưng phạm vi tấn công của nó chỉ đạt hơn 3000km, tốc độ cận âm. Còn Trung Quốc đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất “Trường Kiếm-10” (CJ-10), cũng có tầm bắn 3000km, trong khi Ấn Độ đang phát triển tên lửa Nirbhay, tầm bắn 1000-1500km.

Ấn Độ vừa thử không thành công tên lửa hành trình Nirbhay có tầm bắn 1000-1500km

Nga cũng đang nỗ lực tăng tốc độ cho các loại tên lửa của mình và đã đạt những thành công nhất định. Sau Nga 1 bước, cả Mỹ và Trung Quốc, sau đó là Ấn Độ đều đang nghiên cứu, phát triển tên lửa hành trình tầm xa tốc độ siêu âm. dựa trên khả năng dẫn đường và định vị của vệ tinh, nhưng các loại tên lửa này đều đang trong giai đoạn phát triển hoặc thử nghiệm.

Có thể nói, phát triển tên lửa hành trình tầm xa tốc độ siêu âm, đang là xu thế phát triển của các cường quốc tên lửa trên thế giới. Trong tương lai nó sẽ là vũ khí lợi hại nhất trong các loại vũ khí thông thường, là vũ khí đáng sợ nhất trong chiến tranh hiện đại. Trong cuộc đấu này, hiện chưa có nước nào địch lại được Nga!