Thực trạng vũ khí tấn công chính xác của không quân Trung Quốc (1):

Tên lửa của không quân Trung Quốc quy mô nhỏ, uy lực thấp

ANTĐ - Trung Quốc đang nỗ lực cải tiến hệ thống vũ khí tiến công chính xác trên máy bay bao gồm: tên lửa không đối không, không đối đất và bom điều khiển chính xác, trong đó xạ trình và phương thức điều khiển của vũ khí đóng vai trò quyết định.
Chưa có tên lửa không đối không tầm xa
Trong không chiến thì tên lửa đối không tầm xa là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sinh tồn của máy bay nhưng hiện nay không quân Trung Quốc chỉ có các loại tên lửa đối không tầm trung và tầm gần.

Các máy bay Su-27 và Su-30 vẫn đang sử dụng 2 loại tên lửa đối không tầm trung dẫn đường bằng radar bán chủ động R-27P1 và R-27P1F, tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar chủ động R-77, tên lửa tầm trung dẫn đường hồng ngoại R-27T và loại tên lửa tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại R-73 nhập khẩu từ Nga.

Tên lửa tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại R-73

Về sản phẩm quốc nội, hiện không quân Trung Quốc chỉ có thế hệ tên lửa không đối không tầm trung PL-12 “Tích Lịch-12” (phiên bản xuất khẩu gọi là SD-10A “Chớp điện”) do công ty phát triển kỹ thuật quang điện Lạc Dương (viện nghiên cứu 612) chế tạo để thay thế dần các loại PL-9, PL-10 và PL-11 là có chất lượng đáng kể. Loại tên lửa nhiên liệu rắn này đang được sử dụng trên các máy bay tiêm kích thế hệ J-10 và J-11B nhưng tính năng của nó cũng không thể so sánh được với loại tên lửa đã già cũ R-77 nhập khẩu từ Nga.

Tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar chủ động R-77

PL-12A bắt đầu được biết đến năm 2001 khi triển khai lắp đặt trên tiêm kích bom JH-7, hình dáng và tính năng rất giống loại AIM-120 do công ty của Mỹ chế tạo nhưng tầm bắn thấp hơn, chỉ đạt 70km. Nó sử dụng phương thức điều khiển bằng radar chủ động, dẫn đường quán tính trong quá trình bay, cuối đường bay sử dụng radar khóa mục tiêu tự thân tên lửa.

Tên lửa không đối không tầm trung SD-10A (phiên bản xuất khẩu của PL-12)

Tại triển lãm hàng không Chu Hải 2010, viện nghiên cứu 612 đã công khai 3 loại tên lửa đối không tầm trung mới là PL-12B, PL-12C và PL-12D (tức SD-10B, SD-10C, SD-10D) được sản xuất lần lượt vào các năm 2006, 2008 và 2010 có tầm bắn xa hơn. Đến tháng 11/2010, họ lại nâng cấp hệ thống điều khiển các tên lửa loại PL-12 bằng radar 2 trạng thái chủ động và bị động. Hiện nay, viện này đang nghiên cứu chế tạo loại tên lửa tầm xa PL-21, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành.

Uy lực tấn công mặt đất thấp

Tên lửa không đối đất của Trung Quốc thì có vẻ phong phú hơn về chủng loại. Các máy bay Su-27 và Su-30 còn đang sử dụng các loại tên lửa chiến thuật tầm ngắn Kh-29L/T, Kh-31A/P, tên lửa tầm trung Kh-35E và “tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không” Kh-59ME.

Máy bay Su-35 trang bị tên lửa đối đất tầm trung Kh-35E

Kh-35E có tầm bắn 130km, thường được sử dụng tấn công khu trục hạm khoảng 5000 tấn trở xuống, còn Kh-59ME là tên lửa siêu âm tầm xa trên 300km, có khả năng tấn công nhóm tàu cỡ 1 vạn tấn của biên đội hộ vệ tàu sân bay. Từ nguyên mẫu của Kh-59ME, Trung Quốc cũng đã chế tạo thành công phiên bản “nhái” là KD-88.

Máy bay Su-30MK phóng tên lửa đối đất tầm xa siêu âm Kh-59MK2 (X-59MK2)

Ngoài ra, họ còn đang sử dụng 3 thế hệ tên lửa chiến thuật không đối đất/đối hạm quốc nội là “Ưng Kích-6”, “Ưng Kích-7” và “Ưng Kích-8” (hay còn gọi là YJ-6, YJ-7 và YJ-8), trong đó, các biến thể của YJ-6 và YJ-8 là nổi trội hơn cả. Tên lửa YJ-82 có tầm bắn từ 50-280km, là tên lửa tầm trung có thể sử dụng để chống hạm hoặc tấn công mặt đất, YJ-83 là tên lửa hành trình tầm trung có khả năng biến tốc. Giai đoạn đầu nó bay cách mặt biển khoảng 35m với vận tốc dưới âm, cách mục tiêu 15-20 km nó bắt đầu tăng tốc lên siêu âm, khi cự li còn khoảng 5km nó bắt đầu bổ nhào xuống độ cao 5-7m và đạt vận tốc cực đại là 1,3 - 1,5 Mach.

Lắp đặt tên lửa hành trình tầm trung YJ-62 vào giá vũ khí máy bay ném bom H-6

Còn tên lửa hành trình tầm trung YJ-62 đã được triển khai trên máy bay ném bom phiên bản mới nhất H-6K được giới thiệu có tầm bắn 500km (phiên bản xuất khẩu chỉ là 280km). Ngoài ra, Trung Quốc còn có các loại tên lửa chống bức xạ tầm xa là YJ-91 và Thiên Long-6/10 chuyên sử dụng để tiêu diệt radar trinh sát mặt đất và máy bay dự cảnh.

Trung Quốc đang có kế hoạch chế tạo phiên bản phóng từ trên không của tên lửa Đông Phong - 21 (DF-21) được họ ca ngợi là có tầm bắn xa và uy lực lớn, mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” nhưng loại tên lửa này không thể triển khai được trên các máy bay chiến thuật, thậm chí là cả máy bay ném bom H-6 hiện có. Phải đợi khi Trung Quốc có được máy bay ném bom cỡ từ Tu-22M3M của Nga trở lên thì loại tên lửa này mới phát huy được tác dụng của nó.

KD-88 - phiên bản “nhái” của tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không Kh-59ME

Hiện tất cả tên lửa được đánh giá là đáng tin cậy nhất của Trung Quốc lại chính là các loại mua của Nga, đều phải nâng cấp mới kéo dài được thời hạn sử dụng. Thế nhưng vấn đề quan trọng nhất là Nga đã ngừng sản xuất các loại động cơ nhỏ dùng cho tên lửa thế hệ cũ, hơn nữa Nga cũng đang cảnh giác với Trung Quốc trong các hợp đồng vũ khí nhỏ, lẻ. Vậy nên, chắc chắn đến năm 2020, tất cả các loại tên vũ khí chính xác trên Su-27 sẽ bị xếp xó cùng với máy bay, tiếp theo sẽ là Su-30.

Tên lửa hành trình tầm trung YJ-82 lắp đặt trên máy bay JF-17 của Pakistan

Các loại tên lửa hành trình phóng từ trên không tầm bắn thấp, số lượng quá ít, không đủ quy mô để tạo thành sự uy hiếp to lớn, trong khi đó Trung Quốc lại không có máy bay ném bom chiến lược tầm xa, máy bay tầm trung H-6 đã quá cũ, số lượng H-6K được nâng cấp, cải tạo lại quá ít nên uy lực không đáng kể.

Với tên lửa hành trình không đối đất, trong khi các nước phát triển đã sử dụng phổ biến các loại vũ khí tàng hình tránh radar phóng ngoài tầm khu vực phòng không như: Storm Shadow hoặc JSOW thì Trung Quốc vẫn chưa có, hiện mới đang triển khai nghiên cứu. Hơn nữa công nghệ chế tạo động cơ loại nhỏ chuyên dụng cho tên lửa hành trình trên không của Trung Quốc còn rất kém nên tầm bắn rất thiếu uy lực.

Cận cảnh tên lửa hành trình tầm trung YJ-83 của Trung Quốc

Vì vậy, tuy phát triển rầm rộ về chủng loại và số lượng nhưng do thời gian phát triển quá ngắn, thiếu chiều sâu công nghệ nên cả về số và chất lượng tên lửa tấn công chính xác Trung Quốc đều toàn đạt các chỉ tiêu trên lí thuyết chứ không được kiểm chứng hiệu quả trong chiến tranh như Nga, Mỹ và Israel…

Kỳ 2: Bom có điều khiển của Trung Quốc: Tụt hậu 20 năm so với phương Tây