Tây cũng phải bó tay

ANTĐ - Một tờ báo vừa đưa tin, một ông Tây đã không sợ nguy hiểm đến tính mạng, “liều mình” đứng trước mũi xe để ngăn cản những người “nhắm mắt” đi vào đường ngược chiều ở Hà Nội.

- Chắc ông này mới chân ướt, chân ráo sang ta, thấy chướng mắt quá mới xông ra “chỉ huy” giao thông.

- Giá mà mọi ông Tây đều hành động kiểu “Lục Vân Tiên” như thế chắc sẽ góp phần “lập lại” trật tự giao thông ở ta.

- Bao nhiêu lực lượng cảnh sát cũng không thể giải khắp mọi tuyến phố, con đường. Ví thử có hẳn một lực lượng toàn Tây làm “thanh niên tình nguyện” thì cũng khó xoay chuyển tình thế, thay đổi ý tứ, thói quen của dân ta.

- Ấy là giả sử thế thôi. Ý tôi là, khi một người khách nước ngoài phải đứng ra giữa dòng xe cộ chen chúc, hỗn loạn để “dạy bảo” chính chủ nhà tuân thủ luật lệ giao thông, cách đi lại cho đúng người có học, có văn hóa, thì sẽ làm cho ta cảm thấy xấu hổ, thấy ngượng.

- Xin hỏi ông, giữa những nút giao thông vào giờ cao điểm; giữa những đám đông người xe chật cứng; giữa nóng nôi, bụi khí thải ngột ngạt… có độ bao nhiêu người vẫn còn “thần kinh” xấu hổ?

- Không nên vơ đũa cả nắm thế. Đành rằng ta đang chấp nhận “sống chung” với cái sai, coi đó là bình thường khi vượt đèn đỏ, lao lên hè, phóng ngược chiều. Nhưng phải thừa nhận tâm lý đám đông rất dễ lây lan.

- Tôi nhớ một trang web có tung lên đoạn clip của một du khách nước ngoài về giao thông ở Việt Nam với lời bình ngắn gọn: Crazy (Điên loạn!).

- Tây họ không ý tứ, tế nhị như ta. Có lẽ đó là từ chính xác chỉ tình trạng tâm lý giao thông ở ta. Một đám đông giao thông “điên loạn” sẽ mặc định tâm lý đó ở mỗi cá nhân.

- Đám đông thường là thiếu khả năng suy luận, thừa khả năng hành động thì đến Tây cũng phải bó tay.