Taxi “dù” dễ đâu “thả câu” đấy: Hậu quả khôn lường

ANTĐ - Sự tồn tại của taxi “dù”, chủ yếu do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, không có biện pháp giải quyết triệt để. Trong một vụ việc xảy ra liên quan đến taxi “dù”, không chỉ hành khách chịu thiệt thòi, mà nguy hại hơn, nó ảnh hưởng đến sự văn minh, an toàn của thành phố.

Hoạt động taxi phải được “quản” chặt để phòng ngừa taxi “dù”

Lực lượng mỏng, thiếu cơ chế

Nguyên nhân này chúng tôi được nghe nhiều, trong quá trình tiếp xúc với các lực lượng chức năng để đặt vấn đề kiểm tra, xử lý taxi “dù”. Ở mỗi địa bàn, chính quyền cơ sở và Thanh tra GTVT đều biết khá rõ thời điểm, địa điểm có taxi “dù” hoạt động. Nhưng hỏi vì sao không xây dựng kế hoạch giải quyết triệt để, lý do đưa ra sẽ là “lực lượng mỏng, thiếu cơ chế”.

Như khu vực cổng ga Hà Nội, đường Lê Duẩn. Không biết đã có bao nhiêu kế hoạch ra quân xử lý taxi “dù” được xây dựng, triển khai; nhưng cứ tảng sáng ngày bất kỳ trong tuần, đến khu vực này, đều bắt gặp “ma trận” taxi dừng đỗ dưới lòng đường. Trong số đó, có không ít taxi “dù”. Một cán bộ Thanh tra GTVT ở địa bàn nội thành kể về cái “khó” trong xử lý taxi “dù”. Đó là chỉ cần lực lượng chức năng ra khỏi cổng đơn vị, taxi “dù” ở điểm A, điểm B nào đó đã chạy sạch (?!). Chính vì vậy mà những lần “đánh” taxi “dù” ở cổng ga Hà Nội, Thanh tra GTVT đều phải tăng quân, đảo quân địa bàn khác về làm, để tăng phương tiện, nhân lực quây taxi “dù”, tránh “bứt dây động rừng”. 

Trong những sự khó của cơ quan chức năng, có những điều khách quan. Nếu bị tóm, taxi “dù” sẽ bị đứng trước mức phạt lên đến cả chục triệu đồng, chưa kể có thể bị tạm giữ phương tiện 2 tháng. Chính vì vậy, taxi “dù” sẽ tìm mọi cách để chạy. Và trong bối cảnh bắt - chạy ấy, sự liều lĩnh của taxi “dù” đôi khi thắng thế, nếu các lực lượng vây bắt không xây dựng được kế hoạch phối hợp liên hoàn, chặt chẽ. Một sự khó khách quan khác, là thời điểm, giờ giấc hoạt động của taxi “dù”. Đội ngũ này mưu sinh chủ yếu từ chập tối đến sáng sớm hôm sau. Trong khi đó, lực lượng chức năng đa phần làm việc theo giờ hành chính. Nếu không phải đợt “cao điểm”, hoặc kế hoạch đột xuất, taxi “dù” sẽ ít bị “sờ” đến.

“Hổng” từ công tác quản lý

Thế nào là taxi “dù”? Trắng trợn nhất là nhái toàn bộ logo, “mào” taxi, số điện thoại, màu sơn của hãng taxi có thương hiệu nào đó. Những thiết bị, chi tiết này không quá khó để trang bị, với sự hỗ trợ của nam châm, giấy dính, rất dễ tháo, lắp. Dạng thứ hai là ô tô đeo “mào” taxi, tự gắn 1 thương hiệu… chẳng ai biết, rồi trà trộn ở nhà ga, bến xe đón khách. Một dạng nữa là những xe từng hoạt động trong hãng taxi, nhưng sau đó rút ra hoạt động độc lập, vẫn tự ý sử dụng logo, điện thoại của hãng. Bộ đàm liên lạc với tổng đài có thể bị thu hồi hoặc bị cắt, nhưng sẽ được thay thế bằng bộ đàm “chợ Trời”, như khẳng định của một cán bộ Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai.

Tất cả những tiểu xảo này của taxi “dù” sẽ bị lực lượng chức năng phát hiện, thông qua quá trình kiểm tra, nhưng một thực tế phức tạp đang nảy sinh trong công tác quản lý hoạt động taxi, đó là những tấm phù hiệu taxi. Phù hiệu được cấp có thời hạn, và trên nguyên tắc mỗi khi cấp đổi mới phải thu hồi phù hiệu cũ. Nhưng lâu nay, nguyên tắc này không được đảm bảo. Thế là từ phù hiệu cũ, người lái taxi sẽ tìm cách “chế” phù hiệu mới, có cả tem bảo hiểm, rồi gắn lên xe. “Nhìn mắt thường sẽ không thể phát hiện phù hiệu thật hay giả. Chúng tôi đã phát hiện, xử lý không ít thủ đoạn này”, chỉ huy Đội Thanh tra GTVT quận Hai Bà Trưng chia sẻ. 

Theo nhiều cán bộ chức năng, công tác quản lý hoạt động taxi hiện nay có bất cập lớn, là không có sự trao đổi thông tin giữa đơn vị cấp phép hoạt động taxi với các lực lượng chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Ngay cả đối với lực lượng kiểm tra, công tác phối hợp cũng chưa chặt chẽ. Những dấu hiệu vi phạm của taxi bị phát hiện trên đường, qua công tác của Thanh tra chuyên ngành, chưa được trao đổi thường xuyên đến Thanh tra hành chính, để có biện pháp kịp thời, thanh kiểm tra hoạt động đối với hồ sơ, phương tiện của doanh nghiệp kinh doanh taxi. Đó là chưa kể tình trạng “quyết tâm thì nhiều nhưng làm chưa nhiều”, trong xử lý taxi vi phạm. Rất ít doanh nghiệp taxi vi phạm về thái độ phục vụ hành khách, cước phí, hay tiếp tay cho taxi “dù” bị công khai danh tính để người dân biết, tránh. Làm cuộc khảo sát ở địa điểm mà taxi “dù” thường hoạt động, không khó để nắm bắt thực trạng và nghe phản ánh của người dân. Nhưng, những vi phạm mang tính hệ thống ấy vẫn diễn ra, và doanh nghiệp chỉ nghe nhắc đến tên đã biết là “dù”, vẫn chưa bị đóng cửa. Về phía người dân, khi rơi vào tình thế gặp taxi “dù”, họ chưa biết nhiều địa chỉ, số điện thoại cơ quan có trách nhiệm giải quyết, để phản ánh. 

Taxi “dù” - hoạt động cơ hội mang tính đơn lẻ, chụp giật, nhưng rõ ràng gây ra nhiều hệ lụy xấu. Điều này đã và đang ảnh hưởng xấu đến hình ảnh một Thủ đô yên bình, văn minh. Giải quyết triệt để taxi “dù” là đòi hỏi cấp thiết…