Tàu Việt Nam kiên trì bám trụ

ANTĐ - Chiều 11-6, tin từ Cục Kiểm ngư cho biết, trong ngày Trung Quốc duy trì lực lượng khoảng 39 tàu Hải cảnh, 14 tàu vận tải, 20 tàu kéo, 35 tàu cá và 6 tàu quân sự hoạt động trong khu vực giàn khoan Hải Dương 981. 

Các tàu Trung Quốc tổ chức ngăn cản, sử dụng tốc độ cao vây ép, hú còi, sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu của Việt Nam, ngày 11-6

Trong đó, các tàu quân sự tiếp tục được bố trí bảo vệ xung quanh giàn khoan ở 3 phía Đông, Tây, Nam, mỗi phía 2 tàu. Theo ghi nhận, không còn quan sát thấy máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu hoạt động quanh khu vực giàn khoan.

Diễn biến tại thực địa, tàu cá Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh hung hăng, manh động, tiếp tục vây ép, chạy máy lùi vào tàu cá của ngư dân Việt Nam. Tại khu vực giàn khoan, các tàu Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh, Hải tuần, tàu vận tải và tàu kéo đã tổ chức thành từng nhóm cách giàn khoan 7-8 hải lý và 9-11 hải lý để ngăn cản quyết liệt và sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào các tàu Việt Nam nhằm đẩy phạm vi hoạt động của các tàu Kiểm ngư của ta ra xa khu vực giàn khoan. 

Đại diện Cục Kiểm ngư thông tin, trước hành vi hung hăng, manh động của tàu Trung Quốc, các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ hiện trường, tổ chức đấu tranh với cường độ cao tại khu vực cách giàn khoan 7 – 10 hải lý yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Các tàu cá Việt Nam tiếp tục bám trụ tại ngư trường cách giàn khoan khoảng 30 – 40 hải lý, tổ chức đánh bắt thủy sản, đấu tranh đòi ngư trường truyền thống và phản đối hành động ngang ngược của tàu cá, tàu Hải cảnh Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, từ ngày 11-6, Trung tâm phát hành bản tin dự báo thời tiết cụ thể cho khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, thời tiết khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 12-6 được dự báo có mưa rào và rải rác có giông. Trong cơn giông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh. Sóng biển cao từ 1,25-2,25m. Dự báo, từ ngày 13 đến 14-6 trên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) tồn tại một rãnh áp thấp tiếp tục gây mưa giông và gió mạnh.