Tàu và giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển

ANTĐ -Vào lúc 7h ngày 16-7, giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc tiếp tục di chuyển so với vị trí ban đầu khoảng hơn 50 hải lý.
Trung Quốc lần lượt rút toàn bộ tàu ra khỏi vị trí hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981

Ngày 15-7, Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 đã ngưng hoạt động ở vùng biển của Việt Nam.

Sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khoảng 23g17 ngày 15-7 hãng tin Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc tuyên bố, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã ngưng hoạt động ở khu vực biển gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu Trung Quốc di chuyển về hướng Tây Bắc


Hãng tin này khẳng định giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã hoàn tất quá trình khoan thăm dò dầu khí ở khu vực trên trong thời gian 73 ngày.

Giàn khoan này sẽ được đưa về hoạt động ở khu vực Lăng Thủy ở đảo Hải Nam. Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc là doanh nghiệp giám sát và vận hành giàn khoan Haiyang Shiyou 981.

Trước đó, diễn biến từ hơn 20h ngày 15-7 cho thấy Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 theo hướng Tây Bắc.

Tàu Trung Quốc có 3 lớp bảo vệ vòng tròn, vòng trong cùng có 16 tàu bảo vệ xung quanh giàn khoan, vòng thứ hai kết thành chữ L về phía tây và tây nam giàn khoan, cơ động theo đội hình hàng ngang và hàng dọc. Tốp thứ 3 trên 10 tàu thả trôi cách giàn khoan 10 hải lý về phía đông và đông nam.

Vào lúc 7h ngày 16-7, các tàu Trung Quốc lần lượt rút gần hết khỏi vị trí giàn khoan. Giàn khoan Trung Quốc tiếp tục di chuyển so với vị trí ban đầu khoảng hơn 50 hải lý.

Đến 8h40, toàn bộ tàu Trung Quốc quanh vị trí cũ của giàn khoan Hải Dương 981 đã rút.

Cùng thời điểm đó, lúc 8 giờ 45 phút, trên tàu cảnh sát biển 4034 đã diễn ra lễ kết nạp Đảng cho một thuyền viên trên tàu. Tiếng quốc ca trầm hùng vang lên giữa thời điểm hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt ở Hoàng Sa của lực lượng cảnh sát biển làm tất cả mọi người đều xúc động.

Tàu cảnh sát biển 4034 đang trên đường trở về đất liền. Tàu CSB 4034 là con tàu của Việt Nam bị tàu hải cảnh 3210 của Trung Quốc tấn công bằng trò chiếu thẳng đèn pha công suất cực lớn vào cabin buồng lái ngay khi mới ra thực địa cuối tháng 6, nằm trong tốp các tàu Việt Nam thực thi nhiệm vụ ở phía nam tây nam giàn khoan. Lúc này tàu CSB 4034 đang cách giàn khoan khoảng 12 hải lý. Sau khi chiếu đèn công suất cực mạnh thẳng vào cabin buồng lái tàu CSB 4034 khoảng năm phút, tàu hải cảnh 3210 lại bất ngờ hạ độ sáng rồi chớp nháy liên tục trong lúc tăng độ sáng lên. Chiêu trò này rất ảnh hưởng đến mắt và tầm quan sát của tàu CSB 4034. Tàu hải cảnh 3210 đã tấn công tàu CSB 4034 của Việt Nam bằng trò này suốt 25 phút với mục đích uy hiếp.

Trung Quốc đang đẩy nhiều nước trong khu vực vào vòng tay của Mỹ

Phần lớn người dân ở nhiều nước châu Á sợ rằng, những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines có thể dẫn tới chiến tranh. Ngay cả ở Trung Quốc, cuộc khảo sát cho thấy 62% người dân nước này lo ngại những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể dẫn tới cuộc xung đột vũ trang. 67% người dân Mỹ cũng lo lắng về khả năng xung đột. Cuộc khảo sát được Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện tại 44 quốc gia và kết quả vừa được công bố.

Khảo sát tại tất cả 11 quốc gia châu Á cho thấy, khoảng một nửa số người trả lời nói rằng, họ lo ngại những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ dẫn tới xung đột vũ trang.

Với tỷ lệ 93%, người Philippines lo ngại về nguy cơ này hơn cả, theo sau là người Nhật Bản với 85%, Việt Nam 85%. Có tới 83% số người được hỏi ở Hàn Quốc lo ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với hòa bình khu vực, cho dù quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc đang nồng ấm. 

Nghiên cứu của Pew nhấn mạnh, những hành động bắt nạt láng giềng của Trung Quốc đang đẩy nhiều nước trong khu vực vào vòng tay của Mỹ. Có tới 8 trong số 11 quốc gia châu Á coi Mỹ là đồng minh số một. Theo kết quả khảo sát, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất. Trung Quốc, Malaysia và Pakistan coi Mỹ là mối đe dọa chính. Indonesia coi Mỹ vừa là đồng minh và là mối đe dọa. 

Số người coi Trung Quốc là cường quốc đứng đầu thế giới tăng từ 19% cách đây 6 năm lên 31% hiện nay. Một nửa số người được hỏi trả lời rằng, Trung Quốc cuối cùng sẽ thay thế hoặc đã thay thế vị trí lãnh đạo của Mỹ, và chỉ 32% số người được khảo sát nói rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ làm được như vậy. Tuy nhiên, nhìn chung, Mỹ vẫn giành được nhiều ủng hộ hơn ở châu Á. Trung bình 65% người được khảo sát có quan điểm tích cực về vai trò của Mỹ ở khu vực, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm được 49%. 

Thủ tướng Nhật được người Việt ủng hộ nhiều nhất 

Khảo sát được Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, chính sách ngoại giao của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị người Trung Quốc và Hàn Quốc hồ nghi, nhưng được đánh giá tích cực ở những nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. 

Tại Hàn Quốc, nước đang có mâu thuẫn với Nhật Bản vì cách giải thích lịch sử chiến tranh, có tới 94% người được khảo sát nói rằng, họ không tin ông Abe. Tương tự ở Trung Quốc, 70% người trả lời không tín nhiệm và 15% ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản. Ngược lại, 65% người trả lời ở Việt Nam nói rằng, họ tin ông Abe “sẽ làm điều đúng đắn trong các vấn đề của thế giới”. Đây là tỷ lệ ủng hộ ông Abe cao nhất ở châu Á, bao gồm cả Nhật Bản. Tỷ lệ ủng hộ ông Abe tại Philippines, Malaysia, Bangladesh, Thái Lan lần lượt là 55%, 57%, 56% và 53%. 

Thủ tướng Shinzo Abe hôm qua nói rằng, ông sẽ xem xét việc đưa ra luật có hiệu lực vĩnh viễn nhằm cho phép triển khai lực lượng vũ trang Nhật Bản ở nước ngoài, sau khi Tokyo đã giải thích lại Hiến pháp hòa bình.

Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, hôm qua 15-7, nói rằng, những cơ chế đa phương như cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt có vai trò quan trọng để giảm căng thẳng với Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.