Tàu Thỏ Ngọc của Trung Quốc đã “chết” trên mặt trăng

ANTĐ - Tàu tự hành mặt trăng “Thỏ Ngọc” của Trung Quốc được xác nhận không có khả năng được phục hồi đầy đủ chức năng cho sứ mệnh không gian mang tính bước ngoặt.

Ngày 12-2, trang mạng Chinanews của Trung Quốc cho biết trong một bản báo cáo tóm tắt là tàu tự hành mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc đã “không thể phục hồi đầy đủ chức  năng”.

Nhiệm vụ khám phá mặt trăng đã phải ngừng do “Thỏ Ngọc” gặp sự cố máy móc nghiêm trọng hồi tháng 1 vừa qua. Hiện dữ liệu về tình trạng hiện thời và tiến trình sửa chữa Thỏ Ngọc vẫn đang được thu thập và phân tích.

Thỏ Ngọc, hay còn gọi là Yutu trong tiếng Trung Quốc, đã được triển khai trên bề mặt của mặt trăng vào ngày 15-12-2013 và là một niềm tự hào lớn của Trung Quốc. Trung Quốc trở thành nước thứ ba thực hiện việc khám phá mặt trăng sau Mỹ và Liên Xô cũ.

Tàu tự hành Thỏ Ngọc trên bề mặt "chị Hằng"

Hạ cánh thành công xuống mặt trăng là một bước tiến quan trọng trong chương trình không gian quân sự đầy tham vọng của Bắc Kinh, trong đó bao gồm kế hoạch lập một trạm không gian vĩnh viễn vào năm 2020 và cuối cùng là gửi người lên mặt trăng.

Việc “Thỏ Ngọc” gửi những hình ảnh đầu tiên được các Trung Quốc khen ngợi như là “một bước tiến của toàn thể nhân loại”. Sự kiện này cũng đánh dấu tầm vóc, tiến bộ công nghệ, cũng như thành công ngành công nghiệp không gian của nước này.

Khả năng khai thác các nguồn tài nguyên trên mặt trăng được xem là lý do chính ẩn sau chương trình không gian của Trung Quốc. Mặt trăng được nghi ngờ là có chứa uranium, titan và các tài nguyên khoáng sản khác, đồng thời nó cũng có thể cung cấp khả năng phát điện năng lượng mặt trời .