Tàu Phúc Khánh đâm gãy cẩu trên sông Lòng Tàu được đóng tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo dữ liệu kiểm định, tàu Phúc Khánh là tàu biển chuyên chở container, được đóng năm 2004 tại Trung Quốc.

Liên quan đến vụ tai nạn tàu chở container Phúc Khánh đâm gãy cần cẩu trên sông Lòng Tàu phục vụ thi công cầu Phước Khánh, ngày 22/2, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, phương tiện trên là tàu biển và thời hạn giấy chứng nhận đăng kiểm còn hiệu lực.

Cụ thể, theo dữ liệu kiểm định, tàu Phúc Khánh là tàu biển chuyên chở container, được đóng năm 2004 tại Trung Quốc, đăng ký quốc tịch Việt Nam, số IMO 09318905. Chủ tàu theo giấy chứng nhận đăng ký là Công ty Global Logistic Service Co.Ltd.

Tàu có chiều dài thiết kế hơn 122m, rộng hơn 19m, chiều cao mạn hơn 9,2m và chiều chìm hơn 7,2m; tổng công suất máy chính 6.300kW, trọng tải toàn phần hơn 8.200 tấn. Giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp ngày 7/9/2020 và có hiệu lực đến ngày 16/10/2024.

Sông Lòng Tàu

Sông Lòng Tàu

Trước thông tin tàu Phúc Khánh còn thời hạn đăng kiểm song quá trình lưu thông bị chết máy dẫn đến trôi giạt và gây tai nạn, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, việc này phải chờ báo cáo điều tra tai nạn hàng hải của Cảng vụ Hàng hải TP.HCM để đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự cố trên.

Thông tin ban đầu, khoảng 6h-8h30 ngày 21/2, tàu Phúc Khánh chở theo container, sau khi rời cảng Bến Nghé để đi Hải Phòng và đang hành trình trên sông Lòng Tàu thuộc luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu bị gặp sự cố về máy, khiến tàu bị trôi giạt và va đập vào cẩu tháp phục vụ thi công trụ dây văng của cầu Phước Khánh (thuộc dự án tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành).

Tai nạn khiến cần cẩu bị gãy đôi, một phần cần cẩu rơi trúng vào tàu khiến 4 container rơi xuống sông, phần khác rơi xuống sông và hư hỏng hoàn toàn.

Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, song ảnh hưởng đến giao thông trên sông Lòng Tàu. Đến trưa cùng ngày, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM và lực lượng chức năng đưa tàu vào cảng để giải tỏa luồng.

Riêng đối với trụ khoang thông thuyền, đến nay vẫn chưa xác định được thiệt hại. Nhà thầu đề nghị lập tổ tư vấn để giám định thiệt hại, sau đó có phương án bồi thường cụ thể.

Về công tác đảm bảo an toàn hàng hải khu vực thi công, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết khi thi công cầu Phước Khánh, chủ đầu tư đã hợp đồng với Tổng công ty Đảm bảo hàng hải miền Nam để thực hiện các phương án đảm bảo hàng hải.

Phương án đảm bảo an toàn hàng hải trong quá trình thi công cầu Phước Khánh đến nay vẫn đảm bảo.

Cụ thể, các phao tiêu, báo hiệu để cảnh báo trên luồng được thực hiện theo đúng quy định.

Tuy nhiên, do hiện nay cầu Phước Khánh đang dừng thi công, các sà lan phục vụ thi công trụ cầu Phước Khánh phía bờ Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã được đưa vào bờ.

Mặt khác, trụ cầu nằm ngoài luồng hàng hải của tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, vì vậy không có các ca nô để hướng dẫn tàu thuyền lưu thông mà chỉ có các phao tiêu, biển báo. Các cano hướng dẫn lưu thông chỉ hoạt động khi có các sà lan neo đậu, phục vụ thi công trụ cầu.