Tập trung dạy tiếng Anh thay vì chia đều cho các ngoại ngữ khác

ANTD.VN - Bộ GD-ĐT đã có ý kiến giải thích về việc triển khai thí điểm hàng loạt ngoại ngữ khác, bên cạnh tiếng Anh được coi như ngoại ngữ thứ nhất trong trường học. Tuy nhiên, những giải thích này chưa thỏa mãn được băn khoăn của xã hội vì không đi thẳng vào vấn đề dư luận muốn biết. nhận định của các chuyên gia đều ủng hộ việc tập trung vào dạy tiếng Anh như ngoại ngữ bắt buộc để trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.

Phương pháp dạy tiếng Anh trong trường học chưa hiệu quả như mong muốn

Ngoại ngữ thứ nhất phải xuất phát từ quyền lợi chính đáng của dân tộc

Chúng ta ngày càng thấy rõ, khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ trong tốc độ hội nhập quốc tế, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Chúng ta đã được đọc, được nghe nhiều người Việt Nam và người nước ngoài nói về tầm quan trọng của tiếng Anh đối với mỗi một con người và mỗi đất nước. Khi nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh, chúng ta không quên các ngoại ngữ khác.

Vì ẩn sâu phía sau mỗi ngôn ngữ là một nền văn hóa và biết thêm được một ngôn ngữ như mở thêm một cửa sổ ra vườn hoa đầy hương sắc bên ngoài. UNESCO cũng luôn chủ trương tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ.

Vấn đề là ở chỗ, ngày nay những công dân toàn cầu phải sử dụng tối ưu thời gian sống và làm việc của họ, nói riêng là cần phải học và sử dụng (những) ngoại ngữ nào? Chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, nhưng trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất.

Theo tôi đó là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác. Vì chính các nước khi tiếng mẹ đẻ của họ trùng với một thứ tiếng quốc tế nào đó, ví dụ như tiếng Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản... họ cũng đều coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một.

Theo thống kê mấy năm trước đây của Hội đồng Anh (British Council): Có 370 triệu người bản ngữ nói tiếng Anh và 375 triệu người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Như vậy có 745 triệu người nói tiếng Anh. Con số này tăng nhanh lên hàng ngày.

Đó là chưa kể đến hàng tỷ máy tính, điện thoại di động trên khắp thế giới này lại chỉ được con người “dạy” để “nói và nghe” tiếng Anh và các phần mềm chủ yếu được viết bằng tiếng Anh. TS. C. McCormick, Phó Chủ tịch Tổ chức Giáo dục quốc tế đã nhiều lần khẳng định: “Tiếng Anh là nền tảng vững chắc và công cụ mạnh mẽ để trao đổi nghiệp vụ, văn hóa và kinh tế”.

GS Trần Văn Nhung (Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước)

Cố gắng toàn lực dạy tiếng Anh

Tôi cho rằng không nên có khái niệm ngoại ngữ thứ nhất như cách tiếp cận của Bộ GD-ĐT. Tức là chúng ta cần theo đuổi phương hướng và nguyên tắc biến tiếng Anh thành công cụ ngôn ngữ cho giáo dục. Các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, Trung hay Nhật ngữ chỉ là các môn tự chọn theo sở thích hoặc nhu cầu của học sinh.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, tôi cho rằng hoàn toàn không nên, vì hệ thống giáo dục và chương trình của chúng ta đang có quá nhiều vấn đề cần giải quyết thay vì làm những việc chỉ gây cho học sinh thêm sức ép về khối lượng như thế này. Tiếng Anh là nền tảng của thịnh vượng về kinh tế và văn minh về xã hội.

Nói thế đủ thấy là chúng ta phải làm lại việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông vốn đang rất yếu kém hiện nay. Và Bộ GD-ĐT phải làm việc này một cách tập trung, cũng như cố gắng một cách toàn lực cùng với sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là các đơn vị làm công tác này.

Sở dĩ như vậy vì việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông của Việt Nam mấy chục năm qua phải khẳng định luôn là không hiệu quả và sai toàn diện về cả nội dung và phương pháp. Chúng ta chỉ dạy ngữ pháp và làm bài tập tiếng Anh chứ không dạy các kỹ năng thực hành và hai nội dung đọc và viết luận. Học sinh của ta ngại nói và sợ nghe tiếng Anh.

Do vậy, chúng ta phải thay đổi tận gốc cách thức giảng dạy môn học này rồi. Chương trình phải được viết theo cách này để tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ mang tính công cụ cho học sinh chứ không phải là một ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, (Giám đốc Giáo dục trường Phổ thông liên cấp Alfred Nobel School)

Tiếng Nga, Trung chỉ nên coi là ngoại ngữ tự chọn

Tôi đồng tình với quan điểm chỉ nên để ngoại ngữ tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc... là môn học tự chọn và tùy điều kiện từng địa phương để học sinh lựa chọn.

Điều này xuất phát từ một thực tế, kiến thức ngoại ngữ phổ thông, thậm chí thêm cả 4 năm đại học không bao giờ đủ giúp trở thành một phương tiện cho các em làm việc sau này, vậy học sinh nên được quyền lựa chọn theo sở thích, năng lực và định hướng của mình, kết hợp kiến thức học ở trường với việc tự học thêm để đáp ứng yêu cầu công việc sau này.

Như vậy, yêu cầu giảm tải và tính chất hữu dụng thực tế của việc học mới có thể trở thành hiện thực.

Ngoài ra, để đưa tiếng Trung, tiếng Nga vào giảng dạy chương trình chính thức, cần phải có một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản. Liệu mình có thể làm tốt việc này khi giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn vẫn còn hiếm như hiện nay? Trong khi để đào tạo ra những giáo viên giảng dạy tiếng Nga, Hàn, Trung.... cũng phải mất ít nhất từ 4 đến 5 năm.

Theo tôi, các ngôn ngữ khác lên đại học học, hoặc đi làm theo công việc học vẫn không muộn. Bộ GD-ĐT chỉ nên tập trung đào tạo tiếng Anh cho học sinh thật tốt, còn tùy nhu cầu ở mỗi địa phương có thể lựa chọn môn ngoại ngữ phù hợp với học sinh của mình. 

Cô giáo Phạm Thị Nga, (Giảng viên bộ môn tiếng Anh, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục