Tập đoàn Thành Công muốn rút toàn bộ vốn khỏi Eximbank

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ba tổ chức liên quan đến bà Lê Hồng Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công, đồng thời là Thành viên HĐQT Ngân hàng Eximbank đồng loạt rút vốn khỏi ngân hàng này.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank – mã chứng khoán: EIB) vừa có 3 thông báo về giao dịch cổ phiếu liên quan đến người nội bộ.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) đăng ký bán toàn bộ hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%). Hợp Tác xã Cổ phần Thành Công cũng muốn hơn 44,7 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 3,637%). Công ty Cổ phần Phúc Thịnh đăng ký bán hơn 12,2 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 1,005%).

Như vậy, tổng khối lượng nhóm cổ đông muốn bán là hơn 117,6 triệu cổ phiếu, tương đương gần 9,57% tổng số cổ phần đang lưu hành. Các giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận, từ 7/10-31/10/2022.

Các cổ đông trên đều liên quan đến Thành viên HĐQT Ngân hàng là bà Lê Hồng Anh. Bà Lê Hồng Anh hiện là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công, đồng thời cũng là người liên quan đến 2 doanh nghiệp còn lại là Công ty Cổ phần Phúc Thịnh, Hợp tác xã Cổ phần Thành Công.

Bà cũng được biết đến là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.

Trên thực tế, sự hiện diện của nhóm Thành Công Group tại Eximbank khá kín kẽ.

Nhóm cổ đông này chỉ bắt đầu “lộ diện” vào tháng 4/2019, khi Chủ tịch Tập đoàn là ông Nguyễn Anh Tuấn có văn bản kiến nghị với HĐQT Eximbank, bày tỏ sự lo lắng với tình hình Ngân hàng và rất muốn được làm sáng tỏ một số vấn đề. Trong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn có nhắc đến việc nhóm các cổ đông liên quan đến ông nắm giữ 12,97% vốn điều lệ của Eximbank.

Hiện ngoài bà Lê Hồng Anh thì một Thành viên HĐQT khác của Eximbank cũng là lãnh đạo cấp cao của Thành Công Group, đó là ông Đào Phong Trúc Đại.

Mâu thuẫn nội bộ tại Eximbank có thể chấm dứt sau sự xáo trộn cơ cấu cổ đông thời gian gần đây

Mâu thuẫn nội bộ tại Eximbank có thể chấm dứt sau sự xáo trộn cơ cấu cổ đông thời gian gần đây

Trước khi thông báo về giao dịch của nhóm cổ đông này, cổ phiếu EIB cũng ghi nhận hàng loạt giao dịch thỏa thuận “khủng”. Theo đó, từ đầu tháng 9 đến nay đã có hơn 135 cổ phiếu được giao dịch theo phương thức thỏa thuận, tương đương khoảng 11% vốn điều lệ Ngân hàng. Hiện chưa rõ các giao dịch này liên quan đến những cổ đông nào.

Eximbank từng được biết đến là ngân hàng nội bộ phức tạp, rối ren nhất. Việc mâu thuẫn quyền lợi giữa các nhóm cổ đông lớn đã khiến ngân hàng này liên tục 11 lần đại hội cổ đông bất thành kể từ năm 2019 và đến tận cuối năm 2021 mới tổ chức thành công.

Hồi đầu năm nay, cổ đông theo đuổi Eximbank nhiều năm là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) cũng thông báo chấm dứt thỏa thuận hợp tác chiến lược trước thời hạn với Eximbank (thỏa thuận được ký kết vào năm 2007). Tuy nhiên, đến hiện tại, SMBC vẫn là cổ đông lớn nhất của Eximbank với 15% cổ phần và chưa công bố kế hoạch thoái vốn.

Gần đây, ông Võ Quang Hiển – đại diện do SBMC đề cử đã không còn là HĐQT Eximbank do ông không còn làm người đại diện theo ủy quyền của SMBC nữa.

Rất có thể, với việc rút lui của một số cổ đông lớn, tình trạng mâu thuẫn nội bộ tại Eximbank sẽ dần chấm dứt.

Theo kế hoạch, sắp tới, Eximbank sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay.

Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng.

Trước đó, vốn điều lệ của nhà băng này giữ nguyên ở mức 12.355 tỷ đồng trong suốt 1 thập kỷ qua.