Tạo sinh khí mới vực dậy nền kinh tế

ANTĐ - Hôm qua, 30-5, Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Sau khi phân tích, đánh giá lại một cách khách quan thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay, nhiều ĐBQH đóng góp những giải pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 30-5. Ảnh: Phú Khánh

Tiền và hàng đều tắc!

Phản ánh tình trạng ảm đạm của nền kinh tế, khi “cả hàng và tiền đều ách tắc”, ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, điều hành để lạm phát thấp không còn được nhìn nhận là “thành tích” mà nhiều ý kiến cho rằng giảm do không còn tiền chứ không phải kiềm chế giỏi. ĐB tỉnh Quảng Trị cảnh báo: “Chừng nào vấn đề tồn kho của doanh nghiệp chưa có câu trả lời thỏa đáng về trách nhiệm và biện pháp khắc phục thì việc khôi phục và duy trì tính ổn định của kinh tế vĩ mô còn xa vời…”. Chia sẻ khó khăn với Chính phủ, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) phản ánh tình trạng chính sách hỗ trợ rất đúng nhưng cụ thể hóa lại rất chậm nên xảy ra tình trạng “bệnh nặng đợi mãi thuốc mới về” và “khi chữa thì đã quá muộn làm cho doanh nghiệp mất cơ hội, khiến bệnh đã nặng lại càng trầm trọng thêm”.
ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cùng quan điểm: “Trước đây ta xem như lạm phát là con ngựa bất kham nhưng nay không còn như vậy”. Ông cho rằng, đây là cơ hội, thời điểm thuận lợi và điều kiện để tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn để hướng tới mục tiêu trung và dài hạn. Nếu bỏ lỡ cơ hội, loay hoay với những biện pháp nhất thời thì chẳng mấy chốc lạm phát quay lại và rơi vào vòng luẩn quẩn. ĐB Trần Du Lịch đặt vấn đề, phải làm thế nào để sau vài ba năm nữa, nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi và quay lại thế phát triển như thời kỳ vàng son. Ông phân tích: “Nếu không tăng trưởng được bảy, tám phần trăm mỗi năm trong vài thập niên thì đừng nghĩ có thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, và cũng không có tiền đề vật chất để xử lý vấn đề tiến bộ xã hội. Cái bánh GDP mà teo tóp thế này thì không có gì để mà chia!?”.
Đề xuất chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, ĐB Trần Du Lịch kêu gọi, chuyển từ chống lạm phát bị động sang chống lạm phát chủ động với mức tăng CPI khoảng 6,5 - 7% (trong 3 năm 2013 - 2014 - 2015) và sẽ kéo giảm xuống dưới 5% cho giai đoạn tiếp theo. “Cần thực hiện ngay từ năm 2013 chứ không phải thực hiện các chính sách theo kiểu ăn đong nữa…” - ĐB Trần Du Lịch nói.

Phải thu hẹp chênh lệch giá vàng nội - ngoại

Ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý thị trường vàng song ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng: “Dù Ngân hàng Nhà nước đã giải thích chênh lệch giá vàng nội – ngoại không ảnh hưởng đến tỷ giá và mất ổn định kinh tế vĩ mô nhưng điều này vẫn gây tâm lý nhất định trong một bộ phận nhân dân”. Ông đề nghị, phải thu hẹp dần chênh lệch này theo đúng nghị quyết của Quốc hội đề ra. ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng cho rằng, giá vàng hiện tại tuy chưa ảnh hưởng đến giá ngoại hối, chưa gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng đã gây bất bình trong dư luận xã hội, cần phải sớm khắc phục. Ông kiến nghị: “Quản lý vàng phải đúng quy luật, nhanh chóng thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới sau ngày 30-6-2013”.
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nhìn nhận, kinh tế nước ta đang chậm lại, có những lĩnh vực còn thụt lùi. Ông cho rằng, hệ luỵ có thể còn kéo dài trong những năm tới. Đây là hệ quả của những tích  tụ từ lâu và kéo dài, trong khi biện pháp lại chủ yếu là giải pháp tình thế. Đề xuất một số giải pháp cụ thể, ĐB Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cần tiếp tục xử lý tích cực 90.000 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản. Đồng thời, phải đảm bảo mọi chủ trương giảm thuế để tiếp sức cho doanh nghiệp được thực hiện ngay khi tới hạn... Ông nói: “Cần điều chỉnh tư tưởng chỉ đạo theo hướng tăng tổng cầu, tạo sức sống mới cho doanh nghiệp…”.
Phân tích về tăng trưởng tín dụng, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công Thương Việt Nam - (VietinBank) cho biết, để đẩy vốn ra, nhiều ngân hàng thương mại đang cạnh tranh cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. Song, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt thì hoạt động cầm chừng, nhu cầu vay thấp. Một bộ phận doanh nghiệp khác có nhu cầu vay vốn thì không có phương án kinh doanh khả thi, tiềm ẩn rủi ro cao, nếu ngân hàng cho vay sẽ làm nợ xấu tăng trở lại. ĐB Phạm Huy Hùng nói: “Như vậy, vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế vẫn giảm, hàng hóa tồn kho lớn, năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế, cầu có khả năng thanh toán vẫn chưa được cải thiện. Giải quyết vấn đề này cần kích cầu, đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và khôi phục niềm tin của thị trường”.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cảnh báo, trong một bộ phận doanh nghiệp, có sự thiếu tin tưởng thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô Nhà nước đang tiến hành. Do đó, đại biểu đề nghị cần minh bạch và công khai hơn nữa để hoá giải tâm lý tiêu cực và niềm tin cần nhanh chóng được khôi phục. ĐB Cao Sỹ Kiêm bổ sung: “Đánh giá thực trạng phải trên cơ sở thông tin tin cậy, chuẩn xác, có sự công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm… sẽ tạo niềm tin mới, sinh khí mới để vực dậy nền kinh tế”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: “Ngân hàng đã cố gắng hết sức”
Tạo sinh khí mới vực dậy nền kinh tế ảnh 2
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình 
trao đổi cùng các đại biểu bên lề Quốc hội sáng 30-5
Trao đổi với Quốc hội về kết quả giải quyết nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: “Năm 2012, tổng số nợ đã cơ cấu lại khoảng 284.000 tỷ đồng, xấp xỉ 10% tổng dư nợ. Cũng trong năm 2012, tổng nợ xấu được xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro là 70.000 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2013, đã xử lý tiếp 7.500 tỷ đồng. Đề án xử lý nợ xấu đã được phê duyệt vào đầu tháng 3-2013. Chính phủ đã ban hành nghị định về Công ty Quản lý tài sản Việt Nam. Ngân hàng đang khẩn trương chuẩn bị để công ty này đi vào hoạt động, giúp giải quyết 40-70.000 tỷ đồng nợ xấu nữa, trong năm nay”. “Chúng tôi thấy mình không còn đơn độc, toàn xã hội đã cùng vào cuộc với Ngân hàng Nhà nước để xử lý nợ xấu” - ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lãi suất đã giảm rất mạnh, nhưng tín dụng chưa ra được nhiều, chứng tỏ sức mua yếu, tổng cầu còn thấp. Thống đốc nói: “Chính phủ sẽ có nhiều đề xuất đột phá để giải quyết vấn đề. Anh em ngân hàng đã cố gắng hết sức và lãi suất cho vay sẽ còn giảm nữa. Mong cử tri động viên, khích lệ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ...”.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Nhớ bài học lịch sử để bảo vệ vững chắc chủ quyền
Đề cập tới vấn đề ngoại giao, quốc phòng, ĐB Dương Trung Quốc nói: “Một nền quốc phòng toàn dân không thể chỉ dựa vào ý chí của Nhà nước nếu nó không có sự chia sẻ, đồng thuận cao trong toàn thể nhân dân. Đó là bài học của lịch sử nếu ta nhớ đến Hội nghị Diên Hồng thời Trần, đến Hội thề Lũng Nhai gắn với thời Lê...”. Ông dẫn dắt vấn đề: “Chúng ta núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển với nước Trung Hoa đang trỗi dậy. Nhưng luôn gợi lại những bài học quá khứ mà ông cha ta đã phải đương đầu.” Dẫn ví dụ “nhiều năm nay, tại Quảng Ngãi, dân vào rừng chặt cây trâm (loại cây thân gỗ có bộ rễ giữ nước cho rừng, cho đất) để mang xuống đường cái thu gom bán cho người Trung Quốc”, ĐB Dương Trung Quốc cảnh tỉnh: “Chính phủ đừng nhìn vào những cái vĩ mô hay đại cục diễn ra trên bàn hội nghị, những lời tuyên bố hay kể cả những văn bản ký kết. Xin Chính phủ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến những việc tưởng nhỏ mà không nhỏ. Bài học sớm nhất trong lịch sử nhà nước Việt Nam ai cũng biết là bài học cảnh giác”.
ĐB Dương Trung Quốc cũng “chuyển lời kiến nghị của những người làm công tác sử học tới Chính phủ là sang năm, vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Chính phủ nên chỉ đạo cuộc sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận từ lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình. Chỉ có thấm nhuần những bài học lịch sử mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn được hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu): Những con số như được cài đặt!?
“Những con số cứ như là được cài đặt vậy! Điện lực, xăng dầu lúc nào cũng bảo lỗ, ai biết thực hư thế nào? Những con số thiếu độ tin cậy có thể do kỹ thuật, do phương pháp, do trách nhiệm của người cập nhật báo cáo, do thiếu minh bạch và do cả bệnh thành tích nữa… Không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không nắm bắt chính xác các xu hướng và không thể đưa những quyết sách giải quyết, chủ trương giải quyết đúng được và như thế chúng ta sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Quốc hội phải biết, người dân có quyền được biết chuyện gì xảy ra đối với đất nước mình”.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Đang tích cực thu hẹp chênh lệch 
“Số liệu thống kê được tổng hợp theo hệ thống, từ ngành dọc, với nhiều nguồn khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý công bố. Về cơ bản, các số liệu do cơ quan thống kê đưa ra có thể chưa chính xác tuyệt đối nhưng độ tin cậy có thể chấp nhận được, song con số không phải của Tổng Cục Thống kê có độ chính xác thấp, tính khoa học có mức độ, phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cơ sở. Không có căn cứ để bình luận các con số này chính xác hay không. Chúng tôi cũng rất vất vả khi tổng hợp. Con số chênh lệch giữa các cơ quan khác nhau. Chúng tôi đã và đang rất tích cực để thu hẹp sự chênh lệch này, để có con số tính toán khớp nhau hơn.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: Sẽ thống nhất để đưa ra số liệu chính xác
Trước sự nghi ngờ của một số ĐBQH về tính chính xác của con số việc làm và tỷ lệ thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền lý giải rằng, lao động ở Việt Nam có đặc thù riêng. Doanh nghiệp phá sản thì lao động trở lại nông thôn, tức là vẫn có việc làm dù thu nhập thấp, rất bấp bênh. Thêm nữa, tuy số doanh nghiệp phá sản lớn nhưng đa số đều là dạng nhỏ và vừa. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn lại tuyển dụng mới hàng chục nghìn lao động. Thừa nhận có sự chênh lệch về con số thống kê việc làm, song Bộ trưởng lý giải, có thực tế này do cách tính của 2 cơ quan là khác nhau. Dù vậy, Bộ trưởng cũng “ghi nhận, tiếp thu ý kiến ĐBQH” và “tới đây, sẽ thống nhất cách tính số liệu để đưa ra một con số phù hợp, chính xác nhất”.

Mở rộng hỗ trợ ngư dân

Trả lời ý kiến một số ĐBQH về chính sách hỗ trợ bà con ngư dân phát triển kinh tế biển, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: “Chính phủ đã có chính sách (Quyết định 48/QĐ-Ttg) nhằm hỗ trợ ngư dân ra khơi khai thác nuôi trồng hải sản. Cùng với đó, có chính sách thí điểm cho ngư dân vay đóng tàu thuyền công suất lớn (400 đến trên 1.000 CV), với mức cho vay từ 70-80% kinh phí đóng tàu, với lãi suất cố định 3% trả trong 10 năm... Tới đây, Chính phủ sẽ tổng kết mô hình này và mở rộng ra cả nước, để tiến tới cho ngư dân vay đóng tàu mới (gỗ, sắt) từ 90 đến trên 1.000 CV. Trong đó, có tàu dịch vụ, hậu cần nghề cá. Chính phủ cũng giao Bộ NN&PTNT tổ chức lại sản xuất sao cho hiệu quả nhất. Ngoài ra, Chính phủ sẽ đầu tư đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư vừa giúp bà con bám biển sản xuất, vừa giữ vững chủ quyền biển đảo”.