Táo Quân 2022: Kịch bản gây hụt hẫng, diễn viên thì hụt hơi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2022” vừa lên sóng VTV vào tối Giao thừa đón Xuân Nhâm Dần 2022 khiến khán giả không khỏi hụt hẫng và thất vọng.

Trái ngược với mong đợi của nhiều người về một buổi chầu trên Thiên đình với nhiều điểm nhấn ấn tượng khi một năm vừa qua, những gì xảy ra ngoài cuộc sống thực tế có thể nói là chất liệu ngồn ngộn để êkip sản xuất chương trình có thể tận dụng đưa vào sân khấu “Táo Quân”. Một buổi chầu không thể nhạt nhẽo và chắp vá hơn đã diễn ra trong gần 2 tiếng đồng hồ khiến người xem chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

Nửa tiếng đồng hồ được cho là dạo đầu vào chương trình là màn đối đáp dẫn dắt các Táo vào chầu đan cài việc chỉ trích các thủ tục hành chính rườm rà, mỗi nơi một kiểu làm khó cho việc di chuyển đi lại của người dân trong mùa dịch. Bên cạnh việc chọn một chi tiết nhỏ, chưa thật sự “đắt” để “xé” thành điểm nhấn to một cách lê thê thiếu ấn tượng, thì lời thoại lẫn diễn xuất của hai nhân vật Thiên lôi lẫn các Táo không có câu nào đủ sức chọc cười khán giả, thậm chí còn bị cho là cứng nhắc, thừa tính văn phong hành chính và kém tính hài. Một loạt các “status” trên mạng xã hội đồng loạt xuất hiện bày tỏ sự ngạc nhiên và hụt hẫng ngay ở phần dạo đầu này: “Nhạt như nước ốc”, “chương trình chiếu cả nửa tiếng rồi mà chưa cười nổi lấy một nụ”….

Tưởng chỉ có màn dạo đầu bị cho là thiếu ấn tượng, ai ngờ các màn báo cáo sau đó của các Táo với Ngọc Hoàng cũng không thể mặn mòi và ấn tượng hơn. Chiếm “spotlight” gần 1 tiếng đồng hồ tiếp theo là màn báo cáo của Táo Giao thông (NSƯT Chí Trung đóng). Đây cũng là Táo có màn báo cáo dài nhất trong số vỏn vẹn 4 Táo xuất hiện trên Thiên đình buổi chầu lần này, trong khi một năm dịch bệnh vừa qua thì vấn đề giao thông nói đúng ra lại không phải “điểm nóng” nhất trong số các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thế nhưng không hiểu sao vị Táo này vẫn được dành hẳn gần như ½ đất để diễn.

Chưa kể, hai nhân vật Nam Tào – Bắc Đẩu lẫn Ngọc Hoàng thi nhau chỉ trích Táo này với việc chẻ ra một loạt các vấn đề vụn vặt, tủn mủn và không có tính gây “sốc” dư luận như: đề xuất mới về việc tài xế nào có bằng lái chưa đủ 1 năm thì chỉ được đi với tốc độ hạn chế 60km/h; hay vấn đề quá cũ như việc chậm trễ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông công cộng (trong khi năm vừa qua lại là năm đầu tiên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được vận hành sau nhiều năm thi công, tức là sự chậm trễ đã phần nào được giải quyết)…

Hay như Táo Giao thông còn bị chỉ trích về chủ trương “chăng dây” tại các vùng có F0 khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Trên thực tế, công bằng mà nói, khi dịch bệnh mới bùng phát và diễn biến phức tạp, chủ trương khoanh vùng rộng từng được áp dụng bài bản và hợp lý, góp phần ngăn chặn sự bùng phát mạnh của dịch. Để phù hợp với tình hình sau đó khi việc tiêm chủng cho người dân dần được phổ biến, ý thức của mọi người về phòng chống dịch bệnh được nâng cao, việc thay đổi chiến thuật khoanh vùng từ rộng sang hẹp mới có thể áp dụng. Vì thế, việc chỉ trích chủ trương khoanh vùng này cũng bị xem là kém duyên và chưa hợp lý.

Khép lại màn báo cáo theo đúng kiểu “bôi” ra cho dài của Táo Giao thông là sự xuất hiện của nhân vật Táo được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện nhất trên sân khấu “Táo Quân” năm nay, đó là Táo Mạng, hay còn gọi là Táo Ảo (do NSND Tự Long đóng).

Cứ ngỡ đây sẽ là nhân vật được xây dựng gây cười nhất trong chương trình bởi vừa mới, lại vừa có quá nhiều chất liệu hay ho và thú vị thu hút sự quan tâm của công chúng. Song thì ra không phải thế. Ngoài bộ cánh được thiết kế rườm rà, diêm dúa ra thì màn báo cáo của Táo này cũng nhạt nhẽo lê thê kiểu “đá thúng đụng nia”, mỗi thứ bị chỉ trích một tý từ: livestream đánh ghen, hát hò vớ vẩn, mượn quần áo khoe thân, thánh chửi giang hồ… và tóm lại bị gọi là “rác mạng”. Không có bất cứ điểm nhấn nào đi vào lòng người xem trong màn báo cáo của vị Táo được xem là đại diện cho “điểm nóng” suốt một năm vừa qua.

Hai màn báo cáo còn lại của Táo Kinh tế (nghệ sĩ Quang Thắng đóng) và Táo Xã hội (nghệ sĩ Vân Dung đóng) được gộp vào với nhau như kiểu cho nhanh với lý do như lời tâu bẩm của Táo Kinh tế là: “Ăn cỗ phải có thịt gà/ Báo cáo phải có đàn bà mới vui”. Đáp lại, Ngọc Hoàng (NSƯT Quốc Khánh đóng) cũng đưa ra câu trả lời không thể vô duyên hơn: “Được, cho đàn bà vào… chén luôn!” (!?!).

Màn báo cáo tổng hợp của hai Táo này cùng màn bốc thăm bốc quẻ của cả 4 Táo xuất hiện trong buổi chầu năm nay tiếp tục mang đến cho người xem những cảm giác hụt hẫng và ngao ngán. Một số vấn đề thật sự không phải quá đại trà của nền kinh tế trong năm vừa qua, cũng không phải vấn đề thu hút sự quan tâm hay am hiểu của đại đa số người dân như đầu tư chứng khoán cũng được đưa vào, và đáng tiếc là thiếu duyên nên càng làm sân khấu “Táo Quân” trở nên nhạt nhẽo một cách khó hiểu.

So với các chương trình trước đây thì ‘Táo Quân 2022” có phần thoại nhiều hơn phần âm nhạc. Đáng tiếc, các câu thoại lại không có gì đặc biệt, chưa đủ sức tạo thành “trend” và cũng không gây ấn tượng với người xem. Hai nhân vật đóng thay vai Nam Tào – Bắc Đẩu là Duy Nam và Trung Ruồi cũng tỏ ra hụt hơi với vai diễn. Phần có thể vì kịch bản kém hay, thoại không có gì đặc sắc, phần có thể vì thiếu sự tinh tế từ phía đạo diễn trong việc chỉ đạo diễn xuất, thiếu sự “cầm tay chỉ việc” từ các nghệ sĩ đàn anh đi trước từng “đóng đinh” với các vai này, nên cả Duy Nam lẫn Trung Ruồi đều diễn như “trả thoại” khiến người xem cảm thấy tiếc nuối và hụt hẫng.

Được biết chương trình "Táo Quân 2022" do đạo diễn Khải Anh giữ vai trò dàn dựng chủ chốt. Anh từng hỗ trợ đạo diễn NSƯT Đỗ Thanh Hải tham gia dàn dựng các chương trình "Táo Quân" nhiều năm trước đây.