Tạo niềm tin vào tiền đồng

ANTĐ - Động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hầu như không gây bất ngờ và ngạc nhiên đối với giới chuyên gia tài chính-tiền tệ. Bởi vậy tác động của độ phá giá này đối với các nước, trong đó có Việt Nam, mạnh hay yếu, tốt hay xấu hoàn toàn tùy thuộc vào sự “chèo lái” của Ngân hàng Nhà nước.

Những chỉ số khả quan trong tháng 5 phần nào chứng minh nền kinh tế đang thoát khỏi vòng nguy hiểm, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 6,3% trong năm 2016. 

Điểm nổi bật là xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ. Có nghĩa là trong 5 tháng qua, cả nước xuất siêu 1,36 tỷ USD. Một tín hiệu đáng mừng là, mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu “truyền thống” lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng qua với kim ngạch đạt 19,2 tỷ USD, song con số này đã giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,4%; nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 12,1 tỷ USD, tăng 6,4%. Những con số này nói lên điều gì? Trước hết là cán cân thương mại hiện đang có thặng dư bằng khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Quan trọng hơn là, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất khẩu dệt may, da giày đã và đang từng bước giảm mức phụ thuộc, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thay vào đó, nước ta mở rộng thị trường các nước khu vực cũng như thế giới, mong muốn từng bước đưa nền kinh tế vượt khỏi “cái bóng” của Trung Quốc được các nhà hoạch định chính sách vĩ mô cũng như giới chuyên gia đề xuất đang trở thành hiện thực, mặc dù đây là một trong những trở ngại lớn nhất, thách thức khó vượt qua nhất.

Trong bối cảnh những hỗ trợ kinh tế vĩ mô còn mỏng, cộng với thâm hụt ngân sách cao trong khi đồng nhân dân tệ phá giá mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một chính sách tài chính và tiền tệ cẩn trọng hơn. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng yêu cầu cần điều hành chính sách tín dụng, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, giảm dần lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

“Cú” phá giá đồng nhân dân tệ khó có thể gây “sốc” cho nền kinh tế, nhưng không thể lơ là trước những rủi ro lạm phát quay trở lại để kiểm soát nguồn cung tiêu hợp lý. Chống đô la hóa là một chủ trương mang lại hiệu quả trông thấy, tuy nhiên rất cần các giải pháp đồng bộ để tạo niềm tin vào tiền đồng.

Tin cùng chuyên mục