Tạo “làn sóng” kích cầu

ANTĐ - Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ đã được ban hành từ đầu tháng 1-2013, được giới chuyên gia cũng như công luận đánh giá cao về tính kịp thời và hợp lý. Hơn 4 tháng đã trôi qua, mà tới nay cả hai nghị quyết nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế cấp bách vẫn chờ các văn bản hướng dẫn. Một số đại biểu Quốc hội cũng như ủy viên ủy ban của Quốc hội tỏ ra sốt ruột về sự chậm trễ này, trong khi doanh nghiệp và người dân mong đợi từng ngày.

Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 và tình hình 4 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã nhấn mạnh phải khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách đã được quy định trong Nghị quyết 01 và 02. “Doanh nghiệp và người dân khi nghe tin Chính phủ kịp thời ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đều phấn khởi. Song đến nay đã qua hơn một quý, việc triển khai đưa chính sách vào cuộc sống là quá chậm trễ”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ bức xúc. Một phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thẳng thắn nói rằng, có nhiều chủ trương, kế hoạch, giải pháp trong các nghị quyết của Chính phủ, nghe điều gì cũng hay, cũng đúng, nhưng đưa vào cuộc sống vì sao còn xa vời như vậy? Một ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách lo ngại rằng, nếu cứ chùng chình như hiện nay, doanh nghiệp phá sản hàng loạt không biết đến bao giờ nền kinh tế mới chấm dứt tình trạng tuột dốc và vượt lên thoát đáy.

Lý giải cho sự chậm trễ này, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư cho biết, các vấn đề về cơ chế chính sách rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp nên việc nghiên cứu, ban hành và thực hiện các giải pháp cụ thể bị chậm, chưa đáp ứng đòi hỏi tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.Tuy vậy, một số bộ, ngành cũng đã tích cực thực hiện cụ thể các giải pháp trong nghị quyết của Chính phủ như Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Bộ Tài chính cũng ban hành thông tư hướng dẫn việc gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm lệ phí. Đặc biệt, phải ghi nhận một số chính sách đi vào cuộc sống với tốc độ khá nhanh như chính sách thu phí giao thông đường bộ đi đôi với việc dừng thu phí tại các trạm thu phí, giảm phí trước bạ… Bộ Kế hoạch – Đầu tư có lộ trình giảm thuế giá trị gia tăng có thời hạn để hỗ trợ tăng cầu hàng hóa; điều chỉnh giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế một cách hợp lý, tránh “dồn cục” vào một thời điểm, gây sốt giá đột ngột.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia, những chính sách “cốt tử” để vực dậy nền kinh tế như “phá băng” thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu chưa thấy “động tĩnh” gì đáng kể. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước vừa triển khai gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở, nhưng cũng chỉ nhằm tạo “làn sóng” kích cầu lan tỏa. Dù sóng to hay sóng nhỏ cũng còn hơn để nền kinh tế trầm lắng, suy giảm.