Tạo hình ảnh thiện cảm hơn cho làng nghề

ANTD.VN - “Tôi không muốn khách du lịch “bịt mũi” ngay từ khi bước vào đầu làng” - đó chỉ là một trong vài lời phàn nàn chúng tôi “gom” được trên đường khi đi cùng các doanh nghiệp vào các làng nghề để tìm cơ hội kết nối các sản phẩm du lịch - vốn đang rất trì trệ, èo uột. 

Tạo hình ảnh thiện cảm hơn cho làng nghề ảnh 1Ở Hạ Thái chưa có các tour, tuyến thu hút khách du lịch đến với làng 

Khổ sở từ lối đi 

Nhiều năm nay, nỗi khổ của làng Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) - ngôi làng nổi tiếng với các sản phẩm sơn mài xuất đi khắp trong và ngoài nước - vẫn chỉ xoay quanh vấn đề hạ tầng giao thông. Nằm trên trục đường nhỏ hẹp, giao cắt với đường sắt, mật độ xe cộ và phương tiện lưu thông cao, chuyện ùn tắc và va chạm giao thông xảy ra như… cơm bữa. Để đi vào làng Hạ Thái, du khách sẽ phải khổ sở luồn lách qua một đoạn đường chật hẹp, bị bao vây bởi người, xe, cùng với đó là những sạp hàng xiêu vẹo. Thoát khỏi ma trận này, các phương tiện sẽ phải chui qua một đoạn gầm cầu trước khi vào được làng, mà đối với những ô tô tải trọng lớn gần như cả một “cực hình”.

 Ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái chia sẻ, “để vào làng sơn mài có 2 con đường, một đường từ Đông Mỹ, Thanh Trì xuống, một từ Quán Gánh vào, phải đi qua cống chui cao tốc nên rất bất cập. Khách du lịch nếu đi bằng xe to thì không vào được. Khi đóng hàng để xuất khẩu, xe container không thể vào được nên chúng tôi cũng phải chuyên chở bằng xe tải nhỏ”. 

Được biết, từ những năm 2008-2009, Hạ Thái có hơn 80% số hộ tham gia phát triển ngành nghề truyền thống và hơn 70% thu nhập của người dân có được từ nghề sơn mài. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái phong phú, nhiều chủng loại, từ tượng, bình, lọ trang trí cho đến những sản phẩm nhỏ gọn như khay, hộp trang sức, mỹ phẩm… có độ tinh xảo cao, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sản phẩm của Hạ Thái vẫn chủ yếu là sản xuất để xuất đi các thị trường nước ngoài, trong khi việc “xuất khẩu tại chỗ” rất chậm chạp. Khi hỏi một số doanh nghiệp sản xuất ở đây, được biết hiện ở làng Hạ Thái gần như chưa hình thành các tour đưa khách du lịch đến làng mặc dù với điều kiện ở đây, hoàn toàn có thể mở các dịch vụ “du khách cùng làm với người dân” như nặn đất, hom đất, vẽ trang trí…  

Môi trường xuống cấp

Nếu như rào cản lớn nhất để phát triển du lịch của Hạ Thái là hạ tầng giao thông thì môi trường - cảnh quan đang là nỗi nhức nhối với nhiều làng nghề ở Hà Nội. Làng Cự Đà (Thanh Oai) - ngôi làng cổ nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc bộ đang từng ngày từng giờ đối mặt với nguy cơ bị “bức tử” bởi ô nhiễm nặng nề. Nước thải từ các hộ gia đình làm tương, miến xả thẳng xuống sông Nhuệ, rác rưởi dềnh lên khiến cho khu vực này luôn bốc mùi hôi thối. 

Không đến nỗi báo động như Cự Đà, nhưng làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng, xã Phú Túc, Phú Xuyên, cũng phơi bày những cảnh tượng không đẹp mắt. Hai bên đường nước thải đóng cặn, đen ngòm. Mỗi khi có chiếc xe tải chạy qua, người qua đường gần như phải “hứng đủ” bởi bụi tung mù mịt, hất tung đủ thứ rác rưởi. Cách không xa làng Lưu Thượng, du khách cũng ngán ngẩm khi đến với làng khảm trai Chuôn Ngọ (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) khi chứng kiến cảnh vỏ trai, bột trai… từ các hộ gia đình sản xuất bị vứt bừa bãi hai bên đường. 

Môi trường bị hủy hoại, nhiều làng nghề trở nên mất điểm trầm trọng với du khách. Thay vì cảm thấy thư thái, yên bình vì được về với ruộng đồng, với cây đa, giếng nước, mái đình, thì cảm giác khó chịu, ngột ngạt lại dâng lên, khi vấn đề môi trường, vệ sinh không được đảm bảo.

Ông Thành Tiến Định, Giám đốc Công ty Jewel Tours bày tỏ: “Tôi đến làng nghề này và thấy hai bên đường rất bẩn. Không hiểu người ta đốt cao su hay đốt cái gì mà cảm giác rất khó chịu. Làng nghề là làng văn hóa, đối với khách nước ngoài họ mong muốn trước hết là môi trường trong sạch. Tôi không muốn khách của tôi phải “bịt mũi” ngay từ khi bước vào đầu làng”. Rõ ràng, cảnh quan và hạ tầng giao thông yếu kém rõ ràng đang gây ra những cản trở rất lớn cho việc phát triển du lịch làng nghề hiện nay - mặc dù không thể phủ nhận rất nhiều làng nghề có tiềm năng xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo. 

Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội, cùng các ban, ngành liên quan đã và đang đưa ra nhiều phương án để phát triển du lịch làng nghề, song quả thực việc này không phải một sớm một chiều mà làm được nếu như các ngành, các cấp không cùng chung tay giải quyết từ gốc rễ - những vấn đề nội tại đang làm giảm sức cạnh tranh của làng nghề.