Tạo điều kiện để mọi người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin

ANTĐ - Sáng nay (6-4), với 88,46% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật tiếp cận thông tin. Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 dự án luật khác gồm: dự án Luật Dược (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và dự án Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).

Luật Tiếp cận thông tin quy định mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự - an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Kết quả Quốc hội thông qua dự án Luật Tiếp cận thông tin

Luật cũng quy định rõ việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Đáng chú ý, Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm giám sát xã hội việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Kết quả Quốc hội thông qua dự án Luật Dược (sửa đổi)

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua một số dự án Luật khác như dự án Luật Dược (sửa đổi) với 88,06% số phiếu ĐBQH tán thành; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế với 86,64% số phiếu ĐBQH tán thành; dự án Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) với 91,30% số phiếu ĐBQH tán thành.