Tăng vốn nhóm 4 ngân hàng lớn: Agribank, VietinBank, Vietcombank an bài, BIDV vẫn đợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi Agribank, Vietinbank, Vietcombank đã được tăng vốn hoặc phê duyệt phương án tăng vốn thì BIDV vẫn chưa nhận được đồng ý từ Chính phủ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2021, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 159,6 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 6.052,6 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.073,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.481 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng trên đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các TCTD yếu kém.

Để nâng cao năng lực tài chính, hiện nay, 4 ngân hàng đã và đang thực hiện tăng vốn điều lệ. Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Còn VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại, theo dó vốn điều lệ ngân hàng tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng.

Việc tăng vốn này được thực hiện theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại của năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức bằng tiền mặt của VietinBank.

Tương tự với Vietcombank, NHNN đã trình và mới đây cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế.

Theo đó, Vietcombank sẽ chi cổ tức 8% bằng tiền mặt cho năm 2020 và 27,6% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2019 trong 6 tháng cuối năm 2021. Trong khi đó, kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ có thể bị lùi lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Riêng đối với BIDV, hiện nay vẫn chưa được Chính phủ thông qua phương án tăng vốn. NHNN cũng đã lấy ý kiến Bộ Tài chính đối với dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2020.

Tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện giới doanh nhân Việt Nam mới đây, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng đã có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ cho BIDV và các TCTD nhà nước. Đặc biệt là thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các nhà băng này.

Theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 hồi đầu năm, BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, tương đương tăng 20%, lên 48.524 tỷ đồng.

Phương án này bao gồm phát hành tổng cộng 488,8 triệu cổ phiếu để chia trả cổ tức năm 2019-2020 với tổng tỷ lệ 12,2%. Thời gian thực hiện dự kiến diễn ra trong quý 3, quý 4 năm nay.

Sau đợt tăng vốn này, BIDV sẽ phát hành tiếp 341,5 triệu cổ phiếu mới để chào bán công khai hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ thời điểm chào bán.

Thời gian thực hiện đợt tăng vốn lần 2 này sẽ điễn ra trong giai đoạn 2021-2022, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.