Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình để đảm bảo hài hòa lợi ích

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), không riêng Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới khi tăng tuổi nghỉ hưu đều có ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của người lao động. Tuy nhiên, với một lộ trình “chậm” như hiện nay sẽ giảm sự tác động gây sốc trong thực hiện chính sách.

Năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Nghị định cũng quy định, người lao động cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường khi đủ các điều kiện được quy định tại khoản 3, Điều 169 Bộ luật Lao động. Cụ thể, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, khi đủ điều kiện sau: Thứ nhất, người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành. Thứ hai, người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4, Điều 169 Bộ luật Lao động, người lao động cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động thực hiện theo quy định tại Mục 3, Chương III Bộ luật Lao động và quy định của pháp luật vệ bảo hiểm xã hội.

Không làm xáo trộn thị trường lao động

Bàn về tác động của chính sách này, ông Lê Đình Quảng cho rằng, điều chỉnh tuổi hưu sẽ tác động đến hàng chục triệu lao động Việt Nam. Tuy nhiên, việc tác động ra sao còn tùy thuộc vào từng đối tượng. Như với cán bộ, công chức, viên chức thì tác động có thể là không quá lớn, nhưng với công nhân lao động trực tiếp thì sẽ khó khăn hơn. Bởi trên thực tế, quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 55 tuổi đối với nữ và 60 với nam thì rất nhiều người lao động trực tiếp đã không thể làm việc đến độ tuổi như vậy, thường là họ nghỉ hưu sớm hơn. Tuy nhiên, tăng tuổi hưu là chính sách có tầm nhìn dài hạn, lộ trình đưa ra cũng tương đối chậm cho nên có khả năng giảm thiểu các tác động tiêu cực nhất.

“Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động”.

Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ban hành ngày 23-5-2018

Phân tích kỹ hơn về nội dung này, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Trường Giang cho hay, theo tính toán, khi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 với lộ trình tăng mỗi năm 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ thì số người ở lại thị trường lao động trong số những người đang tham gia bảo hiểm xã hội hàng năm chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Cụ thể, giai đoạn 2021-2027, dự báo bình quân có khoảng 9.927 người (nam là 1.562 người, nữ là 8.365 người) ở lại thị trường lao động do tăng tuổi nghỉ hưu. Giai đoạn 2028-2030, bình quân mỗi năm có khoảng 8.898 lao động nữ ở lại thị trường lao động do tăng tuổi nghỉ hưu.

Như vậy, thời điểm này đặt ra vấn đề tuổi hưu là cần thiết nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội, phát huy khả năng người lao động, ứng phó thách thức từ già hóa dân số, bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm, thúc đẩy bình đẳng giới qua việc thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ… Điều này cũng phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng và xu hướng phát triển. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ban hành ngày 23-5-2018 nêu rõ: “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động”.

Người lao động có cơ hội hưởng lương hưu cao hơn

Mặc dù Bộ luật Lao động đã được thông qua, việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được chốt, nhưng trong dư luận vẫn còn một số băn khoăn, lo lắng về việc tăng tuổi hưu. Có ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi hưu chỉ có lợi cho quan chức, còn người lao động thì khó đảm bảo quyền lợi. Thực tế, điều chỉnh tuổi hưu là chính sách có tác động nhiều chiều. Việc sử dụng người lao động cao tuổi trong một số lĩnh vực mang lại hiệu quả khi nhóm người này phát huy được kinh nghiệm, tri thức đã được tích lũy nhiều năm. Bên cạnh đó, lương hưu hiện nay của người lao động vẫn ở mức khiêm tốn, trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng. Việc nâng dần tuổi hưu giúp người lao động có thêm thời gian tích lũy, số năm đóng bảo hiểm xã hội nhiều lên thì tỷ lệ hưởng lương hưu cũng cao hơn.

Theo ông Lê Đình Quảng, những băn khoăn của người lao động là điều hết sức bình thường, có thể do chưa hiểu rõ chính sách. Nhìn vào quy định cụ thể thì đến năm 2028 chúng ta mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62 và đến năm 2035 mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, đây là lộ trình khá dài. Để giúp người lao động có cái nhìn đầy đủ về chính sách này, một trong những điều quan trọng là cơ quan quản lý phải giúp người lao động và người sử dụng lao động nhận thức việc bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm cũng là vì lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động, hạn chế gây ra xáo trộn, bảo đảm ổn định thị trường lao động. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, áp dụng tuổi nghỉ hưu sớm, muộn với từng nhóm đối tượng đặc thù, tăng quyền của người lao động trong quan hệ lao động, thêm cơ hội để người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động....

Cho nên cùng việc sớm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn, quy định rõ hơn về lộ trình, đối tượng, Chính phủ và các cơ quan liên quan cũng cần xây dựng chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa tác động tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực, xây dựng phương án ứng phó tình huống mất cân bằng thị trường lao động, hài hòa lợi ích người lao động và người sử dụng lao động.

Để giúp người lao động có cái nhìn đầy đủ về chính sách này, một trong những điều quan trọng là cơ quan quản lý phải giúp người lao động và người sử dụng lao động nhận thức việc bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm cũng là vì lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động, hạn chế gây ra xáo trộn, bảo đảm ổn định thị trường lao động. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, áp dụng tuổi nghỉ hưu sớm, muộn với từng nhóm đối tượng đặc thù, tăng quyền của người lao động trong quan hệ lao động, thêm cơ hội để người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động...