Tăng tuổi nghỉ hưu, lao động trẻ mất cơ hội?

ANTD.VN - Tại tọa đàm về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ngày 28-10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những đề xuất được đưa ra trong quá trình sửa đổi và bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012. Mặc dù chưa nhận được sự đồng thuận nhưng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề cần thiết nhằm đáp ứng sự thay đổi của thực tế xã hội.

Tăng tuổi nghỉ hưu, lao động trẻ mất cơ hội? ảnh 1Không xem xét việc tăng tuổi hưu đối với nhóm lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại

Không tăng theo kiểu cào bằng

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó đưa ra đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu lên 58 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Việc điều chỉnh tuổi hưu ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, đề xuất tăng tuổi hưu vấp phải nhiều phản đối vì dư luận xã hội lo ngại mỗi năm hàng trăm nghìn cử nhân ra trường nhưng không xin được việc làm. Lao động trẻ sẽ mất cơ hội việc làm vì lao động già không “chịu” về hưu. Thêm vào đó, khi tăng tuổi nghỉ hưu, một bộ phận cán bộ, công chức có thể trở nên “tham quyền cố vị” sẽ cản trở sự phát triển chung của xã hội.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Bài toán điều chỉnh tuổi hưu được bàn bạc hôm nay để chuẩn bị cho 15-20 năm sau chứ không phải áp dụng ngay ngày mai. Có rất nhiều vấn đề cần được cơ quan soạn thảo, hoạch định chính sách cân nhắc tính toán khi đặt ra vấn đề tăng tuổi hưu. Nhưng trước mắt, việc điều chỉnh tuổi hưu không nên đặt ra đối với nhóm lao động trực tiếp, lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề nghiệp đặc thù như công nhân hầm mỏ, xây dựng, cầu đường, giáo viên mầm non… “Chúng ta cần tính toán, đưa ra một lộ trình thích hợp thì vừa có thể giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao vừa tạo cơ hội cho lao động trẻ có được cơ hội việc làm phù hợp” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Cùng quan điểm, ông Phạm Minh Huân cho biết, dân số nước ta đang trong giai đoạn kẹp giữa dân số vàng và già hóa. Quá trình chuyển hóa hoàn toàn sang già hóa ở Việt Nam sẽ nhanh hơn nhiều so với các nước khác. Do đó, việc tăng tuổi hưu để tận dụng nguồn lực là không thể né tránh. Việc tăng tuổi hưu đang được nghiên cứu trên bình diện chung của toàn bộ lực lượng lao động, đối với nhóm lao động đặc thù làm những công việc ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ không tính đến chuyện tăng tuổi hưu. Thêm vào đó, vấn đề tăng tuổi hưu không phải nay quy định mai sẽ áp dụng ngay mà sẽ được thực hiện theo lộ trình, mỗi năm tăng dần vài tháng để không ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Tăng tuổi nghỉ hưu, lao động trẻ mất cơ hội? ảnh 2Nếu tăng tuổi hưu, hàng trăm nghìn cử nhân ra trường mỗi năm có thể mất cơ hội việc làm

Phải đảm bảo an sinh xã hội

Dư luận xã hội đang đưa ra nhiều quan điểm khác nhau khi bàn đến việc điều chỉnh tuổi hưu do vấn đề này có tác động lớn tới đông đảo người lao động cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Thừa nhận việc điều chỉnh tuổi hưu là một trong những yếu tố quan trọng góp phần “cứu” quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) khỏi tình trạng “chi nhiều hơn thu”, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, tuổi nghỉ hưu ở nước ta theo quy định hiện hành là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam đã được duy trì từ năm 1960. Khi đó, tuổi thọ trung bình của người dân nước ta là 67 tuổi. Thế nhưng, hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên 73 tuổi, do đó việc duy trì tuổi nghỉ hưu trên khiến thời gian hưởng lương hưu kéo dài. Mỗi người lao động trung bình có 19 năm hưởng lương hưu trong khi theo tính toán, quỹ BHXH chỉ duy trì được 13 năm, như vậy mất cân đối 6 năm.

Về mặt chính sách, phải tăng mức đóng hoặc phải giảm mức hưởng đi. Nhưng cả hai phương án này đều không khả thi vì tỉ lệ đóng BHXH của Việt Nam đang ở mức cao so với khu vực, trong khi mức lương hưu hiện nay rất thấp, bình quân khoảng 3,4-3,5 triệu đồng/tháng do nền lương cơ bản thấp. Do vậy, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu theo tuổi thọ trung bình là vấn đề cần được nghiên cứu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tuổi hưu là vấn đề nhạy cảm có tác động sâu rộng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội do đó, cơ quan chủ trì cần phải có sự tính toán chặt chẽ theo một lộ trình phù hợp.

Không phủ nhận tầm quan trọng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với tuổi thọ trung bình nhưng phải đảm bảo về điều kiện sức khỏe cho người lao động. Để có đủ cơ sở thuyết phục, cơ quan chủ trì phải có sự nghiên cứu khoa học, đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội cụ thể nếu tăng tuổi nghỉ hưu; cần quy định linh hoạt về việc tăng tuổi nghỉ hưu để những người có khả năng, có điều kiện để cống hiến nhưng không làm lãng phí nguồn lao động trẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Tăng tuổi nghỉ hưu đại trà là chưa nên

Tăng tuổi nghỉ hưu, lao động trẻ mất cơ hội? ảnh 3

Theo tôi chưa cần thiết tăng tuổi nghỉ hưu do các yếu tố sau: Thứ nhất, chúng ta đang trong thời điểm dôi dư lao động, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến lao động trẻ, sinh viên ra trường không có việc làm. 

Thứ hai, dễ gặp phản ứng của đối lượng lao động trực tiếp như dệt may, giáo dục, y tế… Thực chất, việc thực hiện đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu chỉ nhận được đồng tình của cán bộ lãnh đạo quản lý, còn các lao động trực tiếp thì nhìn chung không đồng tình, mà đây lại là đối tượng chiếm phần lớn. 

Việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm tránh hệ lụy vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng tôi nghĩ có thể tìm giải pháp khác. Vừa qua Bộ luật Lao động đã có những điều chỉnh kịp thời, ngoài ra còn có thể tăng mức đóng bảo hiểm để tháo gỡ vấn đề này.

Thuần Thư (Ghi)

Tin cùng chuyên mục