Tăng trưởng “nóng”, rủi ro cao, làm sao cân bằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vài năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng nóng về mặt quy mô và lãi suất cũng được đẩy lên cao. Điều này dẫn đến lo ngại về rủi ro đối với cả doanh nghiệp phát hành lẫn nhà đầu tư.

Tăng trưởng mạnh mẽ

Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư” ngày 16/8, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam chỉ mới hình thành vào khoảng đầu những năm 2010, nhưng đã có bước phát triển vượt bậc kể từ năm 2018.

Cụ thể năm 2018 TPDN phát hành thành công đạt 224 nghìn tỷ đồng; năm 2019 đạt 312 nghìn tỷ đồng; năm 2020 lên tới 436 nghìn tỷ đồng. Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2021 cũng cho thấy, lượng TPDN phát hành thành công đạt khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng.

“Như vậy, trong 4 năm trở lại đây, quy mô phát hành TPDN thành công ngày càng có chiều hướng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Điều đó cho thấy chúng ta đã khơi thông thêm được 1 kênh dẫn vốn giúp cho doanh nghiệp (DN) đa dạng hóa kênh huy động...” – ông Đỗ Ngọc Quỳnh nói.

Cũng đề cao vai trò huy động vốn của kênh TPDN, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng hiện nay, hệ thống ngân hàng của chúng ta đã đạt đến giới hạn quy mô 1,5% GDP - là mức cao trên thế giới, ngang bằng với các nước phát triển và chỉ kém Trung Quốc.

Cùng với đó, một giới hạn nữa là về cơ cấu vốn ngắn hạn nhiều. Do vậy, thời gian qua, các ngân hàng thương mại cũng rất thận trọng trong việc cho các doanh nghiệp bất động sản vay. Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản chuyển hướng huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Kênh trái phiếu doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây

Kênh trái phiếu doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings cũng đánh giá, hiện nay, sức đại chúng của thị trường trái phiếu bắt đầu lớn, kênh TPDN giúp DN tiếp cận được vốn cho phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.

“Tính riêng giá trị phát hành đang lưu hành, số dư trái phiếu khoảng 12% số dư nợ hệ thống ngân hàng, nếu tính phần dư nợ trung và dài hạn thì chiếm khoảng 30%. Điều này chứng tỏ trong nhiều năm qua nếu không có kênh dẫn vốn TPDN thì nhiều DN đã phá sản, hệ thống ngân hàng cũng nhiều gánh nặng” – ông Thuân cho hay.

Làm sao để cân bằng lợi ích và rủi ro?

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại đối với những rủi ro liên quan đến TPDN. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thời gian gần đây dư luận quan tâm nhiều đến việc lãi suất TPDN lên cao. Trong đó, rất nhiều trái phiếu được phát hành là của công ty bất động sản và không có tài sản đảm bảo.

“Vấn đề là làm sao các nhà đầu tư có thể kiểm soát được các nhà phát hành sử dụng vốn đúng mục đích? Các nhà đầu tư phần lớn là nhà đầu tư cá nhân. Họ ít có khả năng để có thể phân tích các chỉ tiêu tài chính để đảm bảo nhà phát hành có khả năng trả nợ” – ông nói.

Ngoài ra, gần đây có một số trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của các nhà phát hành. Theo lý thuyết các nhà đầu tư có thể mang cổ phiếu đó bán ra thị trường để thu hồi vốn, nhưng thực tế, nếu nhà phát hành đã mất khả năng trả nợ thì khi đó tình hình tài chính của DN đang gặp rủi ro cao, giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị.

Về phía đơn vị có chức năng xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings cho rằng hiện tại các doanh nghiệp phát hành TPDN có hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”.

“Chúng tôi có rà soát và thấy rằng một số DN có tài sản thế chấp, nhưng trong phương pháp luận cơ bản của xếp hạng tín nhiệm cũng như để bảo vệ trái chủ và nhà đầu tư thì tài sản thế chấp không có giá trị, ngoại trừ trường hợp đối với ngân hàng hoặc phát hành riêng lẻ” – ông Thuân cho hay.

Để kiểm soát rủi ro, Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết thêm, trước đây Bộ Tài chính cho phép DN hành trái phiếu riêng lẻ, nên các nhà đầu tư cá nhân có thể mua được ở mức độ thứ cấp, bất kể là nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không.

Nhưng cơ quan quản lý đã nhận thấy những rủi ro nên tới khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ra đời, các DN phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ không được chào bán trái phiếu này cho các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp.

Còn về chính sách xếp hạng tín nhiệm, VBMA thấy rằng các nhà phát hành đều cần xếp hạng tín nhiệm, bởi đây là cơ sở định giá minh bạch của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, nếu như ngay lập tức đưa ra toàn bộ yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, thì có thể sẽ bóp chặt thị trường, các DN không phát hành được.

“Do đó, chúng ta đã lựa chọn dung hòa 2 yếu tố này, như Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định trái phiếu phát hành ra công chúng bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm, nhưng các cơ quan quản lý đang cho thời gian ân hạn là 2 năm trước khi áp dụng” – ông thông tin.