Tăng trưởng khó cán đích

ANTĐ - Hôm qua, 14-5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể thẩm tra Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 của Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự kiến khai mạc vào ngày 21-5 tới.

Sức ép rất lớn

Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2012

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế quý I-2012 chỉ đạt 4% song con số này được nhìn nhận là mức tăng hợp lý trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn, nhiều biến động và trong nước phải thực hiện mục tiêu kép (kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô). Chính phủ dự báo năm 2012, lạm phát sẽ dưới 10%, thậm chí thấp hơn. Đặc biệt, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% rất khó đạt được do quý I-2012 chỉ đạt 4% và quý II-2012 dự báo chỉ đạt khoảng 4,5%. So với cùng kỳ các năm trước, GDP quý I-2012 thấp hơn nhiều năm gần đây (trừ năm 2009). Chính phủ cũng nhìn nhận, nếu không có các giải pháp tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong những tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: “Sức ép về tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm rất lớn mới đạt cận dưới 6%”.

Đáng chú ý, theo kết quả đợt khảo sát mới đây được Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh thông báo, 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có 24.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 130.000 tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng và 14,1% vốn so với cùng kỳ 2011. Trên 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động trong khoảng thời gian này, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Như vậy, tính đến 30-4, trong tổng số hơn 647.600 doanh nghiệp đã thành lập, cả nước còn khoảng 463.800 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 71,6%. Trong số sụt giảm, có trên 81.900 doanh nghiệp giải thể, 16.000 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động và trên 85.800 đơn vị dừng hoạt động nhưng không đăng ký.

Dù “bức tranh” kinh tế khá ảm đạm song Thứ trưởng Cao Viết Sinh trấn an, tỷ lệ 71,6% doanh nghiệp còn tồn tại nói trên vẫn “chấp nhận được” bởi ngay cả tại những nước phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 - 5 năm chỉ khoảng 50-70%. Ngoài ra, trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể, có nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, sản phẩm kém khả năng cạnh tranh cần phải cơ cấu lại, đồng thời bổ sung một lực lượng doanh nghiệp mới. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, trong quý I-2012 đã có khoảng 116.000 người đăng ký mất việc. 

Không mừng khi lạm phát giảm

Trước các thông tin trên, một số thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng trưởng năm 2012 cần đạt được con số 6%. Nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội các phương án tăng trưởng kèm theo các giải pháp thực hiện cho từng phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý.

Một số ĐBQH đề nghị rà soát lại số việc làm mới được tạo ra cũng như các con số liên quan đến giảm nghèo trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Các ý kiến nhấn mạnh, giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà Việt Nam cần quyết liệt theo đuổi trong thời gian tới. Chia sẻ quan điểm này, ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội băn khoăn nhiều về nguy cơ tái nghèo: “Năm 2011 có 21 tỉnh xin hỗ trợ cứu đói nhưng mới 4 tháng đầu năm nay, đã có 33 tỉnh xin gạo rồi”. 

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những điểm yếu căn bản như lãi suất vẫn ở mức cao, dư nợ tín dụng giảm, tăng trưởng công nghiệp thấp, tồn kho tăng cao, số doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc giải thể cao, tốc độ tăng nhập khẩu giảm mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và sản xuất, kinh doanh...

Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh lo lắng về khả năng suy giảm kinh tế nếu GDP quý II chỉ đạt khoảng 4,5% như dự báo. Ông phân tích: “Lạm phát giảm có nguyên nhân rất quan trọng là do sức mua giảm. Điều này chưa hẳn là đáng mừng”. Cũng theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Trên thực tế, ngân hàng thừa tiền nhưng tín dụng không tăng vì ngân hàng đang tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu. ĐB Trần Du Lịch trăn trở: “Tôi chưa thấy có giải pháp để có thể tăng tín dụng, đảm bảo mức tăng trưởng hợp lý nhưng không làm tăng nợ xấu”.