Tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực

ANTD.VN - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, một phần quan trọng tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực - Phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã điểm lại những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Bước ra khỏi chiến tranh, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam vào khoảng 6,4%/năm từ năm 2000 đến nay và tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với mức khoảng 50% đầu những năm 1990. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, bên cạnh những thành tựu trên, cần thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay.

Đơn cử, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. “Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế” – ông Nguyễn Văn Bình nói.

Vì vậy, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới như nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi (khoảng 10 năm nữa) và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn.

Dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nước vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những nước có thu nhập cao, ông Nguyễn Văn Bình đặt câu hỏi: Việt Nam cần làm gì để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam trở thành nước tiếp theo thành công vượt bẫy thu nhập trung bình?

Vì vậy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Diễn đàn hôm nay là cơ hội để các đại biểu trao đổi cởi mở khách quan và đưa ra những đánh giá thẳng thắn toàn diện về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam 6 tháng đầu năm, nhận diện những khó khăn phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm và định hướng cho những năm tiếp theo.

Qua đó xác định những điểm nghẽn, nút thắt và đề xuất những giải pháp trung và dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam; Đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đề xuất những giải pháp từ đó đưa ra các đề xuất về chủ trương, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực then chốt để Việt Nam có thể phát huy nội lực tiềm năng và thế mạnh của mình.