Tăng tốc đoàn tàu APEC

ANTĐ - Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong tuần này sẽ không chỉ bàn cách đối phó với thách thức hiện tại mà còn là cơ hội để APEC nhìn lại chặng đường 25 năm thành công của mình.

Tăng tốc đoàn tàu APEC ảnh 1Khai mạc Hội nghị các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp APEC sáng 9-11 tại Bắc Kinh

Ra đời trong xu thế chung trên thế giới hình thành các mô hình liên kết khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU), sau 1/4 thế kỷ, APEC đã có những bước tiến dài, khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế quy mô lớn nhất, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực. 

Chiếm tới 40% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu và 48% thương mại thế giới, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất, tiềm lực lớn nhất và hợp tác sôi động nhất trên thế giới, dẫn dắt sự phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu. Theo con số thống kê, từ năm 1989-2012, GDP thực tế của khu vực đã tăng từ 15.700 tỷ USD lên 30.300 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tăng 36%. Thương mại hàng hóa nội khối tăng 7 lần, từ 1.700 tỷ USD năm 1989 lên 11.500 tỷ USD năm 2014. 

Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nền kinh tế APEC vẫn chưa thoát khỏi tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong nửa đầu năm nay, GDP của APEC chỉ tăng trưởng 3,9%, giảm so với mức tăng 4,3% nửa cuối năm 2013. Trong khi đó, nhiệm vụ nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vô cùng khó khăn, phương hướng và trọng điểm đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực không đồng nhất.

Nhìn vào tiềm lực, sự hiện diện của 3 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cùng những “con rồng, “con hổ” châu Á như Hàn Quốc, Singapore… đòi hỏi APEC phải giữ vai trò là một trong những đầu tầu dẫn dắt nền kinh tế thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Khu vực cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi sự liên kết giữa các nền kinh tế khu vực phải chặt chẽ hơn, mức độ nhất thể hóa phải cao hơn.

Thách thức đó đang đặt lên vai Hội nghị thượng đỉnh APEC Bắc Kinh. Với chủ đề “Định hình tương lai quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương: sáng tạo, kết nối, hội nhập, phồn vinh”, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề: Kết nối nội khối; Hình thành khu thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và các nội dung hợp tác kinh tế-thương mại mới. Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua 15 văn kiện gồm 2 tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC và kỷ niệm 25 năm thành lập APEC.

Trên cơ sở những định hướng lớn đó, hàng loạt những sáng kiến đã được các nước thành viên APEC đưa ra nhằm giúp đoàn tàu APEC tăng tốc. Đó là làm sao đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, hỗ trợ các nền kinh tế thành viên cải cách kinh tế và duy trì tăng trưởng. Đó là làm thế nào để phát triển và kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác khoa học - kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề... giữa các thành viên APEC.

Con đường đi của APEC chưa dài nhưng tầm vóc và ảnh hưởng của APEC thì đã vượt xa ra ngoài phạm vi khu vực. Tin rằng cột mốc “25 năm” sẽ tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho APEC trong tương lai.