Tăng tốc biên soạn chương trình - sách giáo khoa phổ thông và đào tạo giáo viên

ANTĐ - Đây là 2 mục tiêu cao nhất của giáo dục năm 2014, năm quan trọng trong việc khởi động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo qua chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhân dịp đầu năm mới. 

Trong năm 2014, những công việc mà chúng tôi đang triển khai sẽ được đẩy mạnh, tăng tốc, nhất là hai việc: thiết kế xây dựng chương trình-sách giáo khoa (CT-SGK)  phổ thông, thứ hai là cấu trúc lại các cơ sở đào tạo giáo viên. Chúng ta phải bắt đầu từ thiết kế CT–SGK phổ thông để có mục tiêu đổi mới sư phạm, tức là sư phạm phải lấy đổi mới giáo dục phổ thông làm đích để phục vụ, từ đó sẽ đi đến cấu trúc lại phương pháp đào tạo sư phạm. Hiện Bộ GD-ĐT đã huy động các chuyên gia, trong đó có các giảng viên trường sư phạm thiết kế CT–SGK phổ thông rồi từ đó tính toán đổi mới hệ thống đào tạo sư phạm. Chúng tôi đã lựa chọn 6 trường sư phạm lớn trong cả nước làm đầu tàu, động lực để triển khai việc này gồm ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm 2, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Trong đó, với các bậc học cử nhân thạc sĩ, tiến  sĩ thì chú trọng đào tạo cử nhân; giữa chính quy và phi chính quy thì ưu tiên chính quy; giữa đào tạo mới và đào tạo lại thì ưu tiên chú trọng đào tạo lại đối với lực lượng giáo viên hiện có; giữa đào tạo và bồi dưỡng thì chú trọng bồi dưỡng. Bắt đầu tiến hành ở những trường trọng điểm, sau đó nhân rộng sang toàn hệ thống, đồng thời quy hoạch lại các cơ sở đào tạo sư phạm trên phạm vi cả nước. Ở đây sẽ có sự cấu trúc lại tổ chức của các nhà trường sư phạm, mô hình đào tạo, thay đổi CT-SGK, phương pháp dạy và học… 

- Theo Bộ trưởng, để thực hiện đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì kinh phí sẽ được dự trù như thế nào?

- Hiện Bộ chưa thể tính toán hết nhưng chúng ta biết rằng, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có nhiều đề án khác nhau: đổi mới CT-SGK, đổi mới cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên... Từng đề án sẽ được cân đối và tính toán. Các nguồn kinh phí được lồng ghép với nhau, chứ không tách bạch được. Ví dụ đề án xây dựng cơ sở vật chất trường lớp thì được đặt ra ở đây nhưng kinh phí lại nằm ở chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Tức là tính lồng ghép rất lớn. Sẽ có rất nhiều nguồn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tính toán. 

Đổi mới cách dạy, cách học là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm sức ép cho học sinh

- Vậy Bộ có gặp khó khăn gì trong việc tăng cường kỷ cương của ngành?

 - Chấn chỉnh kỷ cương có nhiều cái khó nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Trong việc này chúng tôi nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của xã hội rất nhiều. Ví dụ sau khi chúng tôi ban hành những vấn đề chấn chỉnh học thêm, dạy thêm, lạm thu, TP Đà Nẵng đã kỷ luật hiệu trưởng, luân chuyển hiệu trưởng vi phạm đi chỗ khác. Hà Nội yêu cầu các nhà trường gửi xin lỗi và hoàn trả tiền cho người học. Đó là những ủng hộ rất quý báu đối với ngành. Nói thế để thấy, chúng tôi không đơn thương độc mã, các lực lượng, các cấp chính quyền, các địa phương cùng vào cuộc ở các mức độ khác nhau, từng bước một cùng với ngành giáo dục chấn chỉnh các sai phạm, yếu kém. Phải có điều kiện tiên quyết thì mới đảm bảo thành công được trong việc chấn chỉnh kỷ cương giáo dục. Hy vọng cả xã hội, các ngành các cấp các địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa. 

- Bước sang năm mới, Bộ trưởng có thể chia sẻ điều tâm đắc nhất của ông trong năm 2013?

- Điều tâm đắc nhất trong năm 2013 đối với cá nhân tôi là Trung ương Đảng thảo luận, ra Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư Khóa XI. Đó là kết quả không chỉ riêng trong Đảng mà cả xã hội, trong đó có các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, lực lượng các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước đã tham gia góp ý, đánh giá, hiến kế và chấn hưng nền giáo dục. Đó là ấn tượng sâu sắc nhất, tâm đắc nhất của tôi.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!