Tăng thuế, phí xăng dầu: Người tiêu dùng chịu thiệt

ANTĐ - Từ hôm nay 21-1, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ có quyền quyết định điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Dự báo, giá bán lẻ xăng dầu khó giảm mạnh, mặc dù chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở tương đối lớn.

Tăng thuế, phí xăng dầu: Người tiêu dùng chịu thiệt ảnh 1Các loại thuế, phí xăng dầu đều đổ vào đầu người tiêu dùng

Tăng thuế kịch trần?

Theo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng Ron 92 thành phẩm nhập về Việt Nam tính đến ngày 19-1 là 54,38 USD/thùng; xăng Ron 95 là 57,48 USD/thùng. Với mặt hàng xăng Ron 92, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cao hơn giá cơ sở 1.835 đồng/lít. Tương tự, dầu DO có giá bán lẻ cao hơn giá cơ sở 1.511 đồng/lít. Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu lại có cơ hội giảm thêm nữa. 

Nhiều ý kiến cho rằng, phương án tăng thuế nhập khẩu xăng dầu tiếp tục được lựa chọn, với mức tăng 5% với mặt hàng xăng và 10% với mặt hàng dầu. Bởi giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 4 năm qua nên khó có thể giảm đến 1.800 đồng/lít nữa. Cùng với đó, mức trích quỹ bình ổn đã giảm về 500 đồng/lít, không còn quá cao. 

Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn còn dư địa và việc tăng thuế nhập khẩu sẽ “một công đôi việc”, vừa tăng thu ngân sách, vừa giúp doanh nghiệp giảm lỗ. Với lập luận này, giá bán lẻ sẽ khó giảm mạnh như kỳ vọng. Tại lần điều hành giá gần nhất (ngày 6-1-2015), thuế nhập khẩu xăng tăng từ 27% lên 35%; dầu hỏa tăng từ 26% lên 35%; dầu mazut tăng từ 24% lên 35%; dầu diesel tăng từ 23% lên 30%. Như vậy, riêng với mặt hàng xăng Ron 92, nếu áp theo khung thuế suất mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO (là từ 0-40%) thì thuế xăng dầu có thể tăng thêm nữa. 

Hiện tại, giá xăng Ron 92 đang ở mức 17.570 đồng/lít. Nếu thuế nhập khẩu tăng lên 40%, mỗi lít xăng sẽ phải “cõng” 7.028 đồng tiền thuế nhập khẩu; Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, tương ứng 1.757 đồng/lít; Phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít. Chưa kể các khoản thuế, phí khác (Thuế tiêu thụ đặc biệt 10% của tổng giá CIF; chi phí kinh doanh định mức, trích quỹ bình ổn) có trong cơ cấu tính giá, thì với mỗi lít xăng, người tiêu dùng sẽ phải trả 8.785 đồng tiền thuế, phí. 

Đánh vào túi khách hàng

Tại cuộc gặp mặt báo chí của Bộ Tài chính diễn ra chiều 20-1, Bộ trưởng Bộ Tài chính 

Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận, giá dầu thế giới giảm mạnh có tác động 2 mặt. Bộ Tài chính sẽ kết hợp hài hòa các giải pháp để đối phó với kịch bản giá dầu giảm. 

Từ góc độ người tiêu dùng, chị Trần Bích Vân (nhà ở phố Vũ Ngọc Phan, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi luôn phải chia sẻ quyền lợi nhưng ít nhận được sự chia sẻ của doanh nghiệp. Trước khi giảm giá xăng dầu, cơ quan quản lý luôn tính đến lợi ích của các phía khác trước, rồi còn bao nhiêu mới giảm cho người tiêu dùng. Thuế, phí cao, chiếm hơn nửa giá xăng, người dân đều phải rút túi trả tiền trực tiếp”.  

Với lần giảm giá nhẹ và tăng mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu từ ngày 6-1 vừa qua, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào bình luận: “Mức thuế nhập khẩu 35% đối với mặt hàng xăng là hơi cao”. Nếu thuế nhập khẩu tiếp tục được tăng đến kịch trần trong lần điều hành mới này, người tiêu dùng sẽ không được giảm chi phí trực tiếp khi mua xăng dầu, còn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng mất đi cơ hội giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng. 

Phải hài hòa lợi ích

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động giá dầu thô trên thế giới để kịp thời có biện pháp xử lý về thuế nhập khẩu và giá bán lẻ xăng dầu cho phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước đó, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 24 lần trong năm 2014 với 19 lần điều chỉnh giảm. Ngày 6-1-2015, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm giá và Bộ Tài chính cũng quyết định tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng thêm 8%, dầu diezel thêm 7% và dầu hỏa tăng thêm 9%.