Tăng thuế, giá xăng dầu sẽ "đội" lên?

ANTĐ - Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 và tình hình triển khai dự toán ngân sách năm 2016, Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Dư luận lo lắng giá xăng dầu sẽ tăng theo đề xuất này.

Tăng thuế, giá xăng dầu sẽ "đội" lên? ảnh 1

Hiện các khoản thuế và phí đang chiếm hơn 50% giá bán lẻ xăng dầu

Nghiên cứu tăng thuế

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016, Bộ Tài chính sẽ theo dõi chặt chẽ biến động giá dầu thô thế giới, phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách. Một trong những biện pháp được đưa ra là nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền tiếp tục tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu.

Hiện tại, theo quy định, khung kịch trần đối với thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng là 4.000 đồng/lít. Như vậy, trường hợp thu ngân sách gặp khó khăn do giá dầu sụt giảm và các nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm mạnh, phương án tăng thuế lên mức tối đa nói trên có thể được đề xuất áp dụng. Trước đó, từ ngày 1-5-2015, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã tăng 300% (xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, dầu diezel tăng 500 đồng lên 1.500 đồng/lít...).

Liên quan tới đề xuất trên, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I-2016 của Bộ Tài chính, nhiều phóng viên đã nêu hàng loạt câu hỏi: “Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dựa trên cơ sở nào? Có phải do ngân sách đang gặp khó khăn và thu thuế qua xăng dầu dễ dàng? Cùng với đó, tỷ lệ thuế, phí trong giá xăng dầu hiện nay là rất lớn, việc tăng thuế sẽ tác động tới giá như thế nào?”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Hiện nay, Bộ chưa có kế hoạch trình Chính phủ điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường. Báo cáo tài chính trung hạn của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội có nêu các giải pháp để thực hiện kế hoạch, trong đó có nêu giải pháp về thuế. Tuy nhiên, các giải pháp này sẽ được tổng kết, đánh giá, sau đó mới đề xuất chính sách thu phù hợp”, bà Vũ Thị Mai thông tin. 

Xem xét trách nhiệm về lỗ hổng thuế 

Cũng liên quan tới mặt hàng xăng dầu, dư luận hiện đang quan tâm tới khoản chênh lệch 3.500 tỷ đồng do lỗ hổng từ việc áp dụng các mức thuế nhập khẩu khác nhau khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, khó có thể thu hồi đủ toàn bộ số tiền chênh lệch 3.500 tỷ đồng do áp sai thuế và Bộ Tài chính nhận trách nhiệm về việc này.

Trả lời câu hỏi về phương án xử lý đối với khoản tiền phải thu hồi, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: “Bộ Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát và thành lập đoàn thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Cụ thể kết quả ra sao phải chờ kết luận thanh tra”.

Về việc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức trong việc để xảy ra lỗ hổng này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, phải theo quy định về công tác cán bộ. Trước mắt, Bộ Tài chính đang chỉ đạo cho thanh tra, rà soát lại toàn bộ vấn đề.