Tăng số đầu xe taxi ngoại thành: Lo ngại hạ tầng tiếp tục quá tải

ANTĐ - Trong bối cảnh phương tiện cá nhân đang gia tăng nhanh gây áp lực lên hạ tầng giao thông, nhiều tuyến phố đang phải nhường diện tích mặt đường để thi công các công trình thì mới đây, nhiều hãng taxi lại đề xuất thành phố được tăng số đầu xe. Đề xuất này khiến nhiều người lo ngại hạ tầng giao thông của Hà Nội sẽ tiếp tục bị quá tải.

Rất khó kiểm soát các taxi được cấp phép chỉ chạy ở địa bàn ngoại thành mà không được vào trung tâm thành phố

Đồng loạt xin tăng xe

Theo đại diện hãng taxi Sông Nhuệ, hiện nay, số lượng phương tiện taxi của công ty chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Các phương tiện của công ty chủ yếu tập trung khai thác tại quận Hà Đông và huyện Thanh Trì, một số địa bàn xa hơn như Thường Tín, Vân Đình, Hoài Đức chưa có xe để phục vụ khách hàng. Hãng taxi Quê Lụa - đang hoạt động ở huyện Ứng Hòa - cũng lấy lý do chưa đáp ứng đươc nhu cầu đi lại của người dân để xin tăng số đầu phương tiện.

Đại diện hãng taxi Quê Lụa thông tin, đã ký hợp đồng đầu tư mới 100 phương tiện với các đại lý ô tô uy tín. Do đó, taxi Quê Lụa kiến nghị UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội phê duyệt phương án tăng 100 xe taxi của hãng. Trong khi đó, đại diện hãng taxi Bắc Á cho biết, trong khi Hà Nội không cho phép tăng thêm lượng xe mới từ nhiều năm nay thì không ít hãng đã xin cấp phép phù hiệu taxi tại các tỉnh lân cận rồi đưa xe về Hà Nội hoạt động.

Theo hãng taxi Bắc Á, với lượng xe ô tô hiện đang hoạt động còn hạn chế (82 xe), taxi Bắc Á chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu di chuyển bằng taxi của người dân khu vực hoạt động của hãng ở ngoại thành Hà Nội như: Cầu Diễn, Mỹ Đình, Xuân Phương, Minh Khai, Tây Tựu, Trôi, Phùng, khu công nghiệp Thạch Thất và khu công nghiêp thuộc huyện Đông Anh... Không chỉ xin tăng số lượng xe, taxi Bắc Á còn cam kết cải tiến, ứng dụng công nghệ, giảm giá taxi để có thể cạnh tranh với các dịch vụ mới như Grab hay Uber.

“Loạn” xe chở khách kiểu taxi

Sở GTVT Hà Nội thông tin, tính đến hiện tại, trên địa bàn thành phố có 19.141 phương tiện thuộc 77 đơn vị được cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xuất hiện thêm một loại hình kinh doanh vận tải khách hợp đồng theo hình thức taxi với danh nghĩa cung cấp qua phần mềm ứng dụng (taxi công nghệ). Điều này đã làm tăng đột biến số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng.

“Loại hình vận chuyển hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tách biệt hẳn với loại hình kinh doanh vận tải bằng xe taxi và các phương tiện này được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng”. Hầu hết các phương tiện này tuy mang danh nghĩa “Xe hợp đồng” nhưng thực chất lại hoạt động như xe taxi thông thường với phần mềm ứng dụng kết nối với khách hàng”, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận. 

Số liệu thống kê từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 6-2016, số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đăng ký cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” với Sở GTVT Hà Nội là 4.012 xe. Các phương tiện này đang được Bộ GTVT cho phép thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng. Ngoài ra, thống kê sơ bộ cho thấy, có 7.598 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chuyển đi xin cấp phù hiệu ở các địa phương khác, tuy nhiên phần lớn các phương tiện này được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội (khoảng 3.000 xe).

Theo Đề án taxi đã được UBND TP phê duyệt, năm 2015 số lượng xe taxi của thành phố là 20.000 xe; đến năm 2020 là 25.000 xe. Hiện, lượng  taxi trên địa bàn Hà Nội phân bố không đồng đều, 85% lượng taxi tập trung tại các quận nội thành, còn các huyện xa trung tâm như Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức… thì  không có hoặc không đủ taxi phục vụ.

Trong bối cảnh phương tiện cá nhân gia tăng nhanh, gây sức ép lên hạ tầng, Sở GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội tạm thời không phát triển thêm số lượng xe taxi tại các quận trung tâm thành phố. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân tại các huyện xa trung tâm, thành phố cần nghiên cứu và xem xét cho phép phát triển số lượng xe taxi tại các huyện xa trung tâm. 

Trước ý kiến lo ngại nếu cho phép tăng lượng xe taxi tại các huyện xa trung tâm, các hãng sẽ đưa xe về trung tâm hoạt động, tiếp tục gây sức ép lên hạ tầng, đại diện Sở GTVT cho biết, sẽ căn cứ vào phương án kinh doanh và hệ thống giám sát hành trình (GPS) để theo dõi, kiểm soát hoạt động và xử lý. “Các xe tăng thêm phải hoạt động đúng phạm vi đăng ký, không tập trung kinh doanh tại các địa bàn trung tâm thành phố”, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định. 

Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, quy định rõ số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” tham gia ứng dụng phần mềm (Grab và Uber- PV) tại Hà Nội nhằm đảm bảo mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.