Tăng mức vốn cho vay với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, thương nhân tại vùng khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mức vốn cho vay tối đa với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, thương nhân tại vùng khó khăn có thể được nâng từ 30 triệu đồng lên 100 triệu đồng; mức lãi suất giảm từ 0,9%/tháng xuống 0,75%/tháng.

Đây là quy định vừa được Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.

Theo đó, quy định về vùng khó khăn mà các đối tượng nêu trên được thụ hưởng chính sách là các xã, phường, thị trấn quy định trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng giai đoạn;

Các thôn không thuộc các xã theo quy định nêu trên nhưng thuộc danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành cho từng giai đoạn.

Về mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thuộc diện được vay vốn tối đa là 100 triệu đồng.

Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 100 triệu đồng, giao Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng.

Mức vốn vay của hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, thương nhân tại vùng khó khăn được đề xuất tăng khá mạnh

Mức vốn vay của hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, thương nhân tại vùng khó khăn được đề xuất tăng khá mạnh

Như vậy, so với quy định tại Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg, mức cho vay đã tăng khá mạnh. Cụ thể, mức cho vay tối đa theo Quyết định 31 đang là 30 triệu đồng; trong các trường hợp cụ thể được vay trên 30 triệu đồng nhưng không quá 100 triệu đồng.

Tại dự thảo sửa đổi cũng quy định, đối với những hộ gia đình có nhu cầu vay vốn trên 100 triệu đồng, cần có vốn tự có (bao gồm giá trị vật tư, quyền sử dụng đất, lao động, tiền vốn) tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phải cam kết thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Về lãi suất cho vay, mức lãi suất tại dự thảo của Bộ Tài chính quy định là 0,75%/tháng, giảm so với mức 0,9%/tháng như hiện hành. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.

Lãi suất cho vay đảm bảo nguyên tắc bù đắp lãi suất bình quân các nguồn vốn và phí quản lý đối với chương trình này.

Tương tự, các quy định sửa đổi Quyết định 92/2009/QĐ-TTg cũng nâng mức lãi suất cho vay tối đa với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn như sau: Đối với thương nhân là cá nhân không thực hiện chế độ kế toán theo quy định của cơ quan thuế được vay tối đa 100 triệu đồng/cá nhân (mức hiện hành là 30 triệu đồng).

Đối với thương nhân là cá nhân thực hiện chế độ kế toán theo quy định pháp luật được vay tối đa 200 triệu đồng/cá nhân (mức hiện hành 100 triệu đồng).

Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, mức vay vốn tối đa là 1 tỷ đồng/tổ chức (mức hiện hành 500 triệu đồng).

Mức lãi suất cho vay cũng được giảm tương đương lãi suất cho vay của hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.