Tăng mức phạt tiền vi phạm hành chính

ANTĐ - So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay 1-7 đã được bổ sung nhiều quy định mới đáng chú ý, trong đó nổi bật là các quy định tăng mức xử phạt tiền đối với các hành vi vi phạm và tăng thẩm quyền xử phạt cho cấp cơ sở...

Hành vi gây hại cho môi trường sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng với cá nhân, 2 tỷ đồng với tổ chức
(Trong ảnh: Một vụ xả thải ra môi trường bị phát hiện xử lý ở Hà Nội)

Thêm 5 biện pháp khắc phục hậu quả

Theo Luật sư Phạm Công – Đoàn Luật sư Hà Nội, về hình thức xử phạt VPHC, Luật XLVPHC bổ sung hình thức xử phạt mới là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với trường hợp hoạt động của cá nhân, tổ chức vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng con người, môi trường của cơ sở sản xuất dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép. Về mức phạt tiền, so với Pháp lệnh XLVPHC, Luật XLVPHC đã nâng mức phạt tiền tối thiểu  từ 10.000 đồng lên 50.000 đồng, nâng mức phạt tiền tối đa từ 500 triệu lên 1 tỷ đồng áp dụng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. 

Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng đều được nâng lên cho phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm của hành vi trong từng lĩnh vực (lĩnh vực an ninh, trật tự: Nâng từ 30 triệu đồng lên 40 triệu đồng, lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy nội địa từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng…). Về các biện pháp khắc phục hậu quả, ngoài 4 biện pháp theo quy định của Pháp lệnh XLVPHC, Luật XLVPHC bổ sung thêm 5 biện pháp khác: Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, buộc loại bỏ  yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa…, buộc thu hồi sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chất lượng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.

Về thẩm quyền xử phạt VPHC, so với Pháp lệnh XLVPHC, Luật XLVPHC tăng thẩm quyền xử phạt cho cấp cơ sở, nhất là các chức danh trực tiếp phát hiện, lập biên bản VPHC nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính. 

Quy định rõ thẩm quyền xử phạt của Công an Nhân dân

Riêng đối với thẩm quyền xử phạt của Công an Nhân dân, Luật XLVPHC đã bổ sung một số chức danh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của Bộ Công an hiện nay: Bổ sung thẩm quyền xử phạt của Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT đường thủy… Luật vẫn tiếp tục giao thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất cho Giám đốc công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục quản lý xuất, nhập cảnh – Bộ Công an. Thẩm quyền phạt tiền tối đa của chiến sỹ CAND cũng được nâng lên, từ 100.000 đồng lên 500.000 đồng, của trạm trưởng, đội trưởng tăng từ 200.000 đồng lên 1,5 triệu đồng…

Theo Thượng tá Nguyễn Việt Tiến - trưởng phòng Pháp chế - Công an thành phố Hà Nội, Luật XLVPHC đã bổ sung thêm nhiều nội dung quy định về mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh trong lực lượng công an nhân dân, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt… Đặc biệt, Luật có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND nói chung và CATP Hà Nội nói riêng. Do vậy, lãnh đạo CATP đã chỉ đạo các phòng, quận, huyện tổ chức quán triệt nghiêm túc Luật này đến các cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là những người có thẩm quyền xử phạt VPHC hoặc có nhiệm vụ lập hồ sơ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Nhiều luật có hiệu lực thi hành


Từ 1-7, ngoài Luật Xử lý vi phạm hành chính, 8 luật khác cũng có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Luật Hợp tác xã, Luật Xuất bản. ANTĐ xin cung cấp cho bạn đọc một số quy định mới tại các luật này như sau:

-  Luật Thủ đô: Đối với nội thành, việc đăng ký thường trú được thực hiện trong một số trường hợp: Vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha mẹ, cha mẹ về ở với con… Các trường hợp không thuộc diện nêu trên phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của  tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê đăng ký thường trú vào nhà thuê.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực: Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế xã hội từng thời kỳ. 

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư: Tăng thời gian đào tạo nghề luật sư từ 6 tháng lên 12 tháng. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được rút ngắn từ 18 tháng xuống còn 12 tháng. 

- Luật Hợp tác xã: Khuyến khích huy động vốn hoạt động của hợp tác xã trước hết từ thành viên theo đúng tinh thần hợp tác; phân phối thu nhập sau thuế chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã hoặc công sức lao động đóng góp của thành viên vào hợp tác xã. 

- Luật Xuất bản: Nhà xuất bản điện tử phải có đủ các điều kiện công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu vận hành và quản lý phục vụ xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.