Tăng lương và cái lý từ đời sống người lao động

ANTĐ - Các cuộc tranh luận về mức tăng lương tối thiểu năm 2016 tại Hội đồng Lương quốc gia vẫn chưa chấm dứt. Phía bảo vệ quyền lợi của người lao động mà đại diện là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì đòi hỏi mức tăng lương cao, có thể tới 16%, phía bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, đại diện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ muốn tăng lương tối thiểu thêm 10%. Bên nào cũng có lý, bởi vì mâu thuẫn giữa mục đích an sinh xã hội và phát triển kinh tế luôn luôn tồn tại và điều hòa lợi ích các bên không hề dễ dàng. Chưa kể áp lực của các thỏa thuận quốc tế, trong đó có TPP về tiền lương và quyền lợi của người lao động cũng không hề nhỏ. 
Tăng lương và cái lý từ đời sống người lao động ảnh 1

Mới đây nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Phương án 1, mức đề xuất lương năm sau tăng 420.000-600.000 đồng/ tháng so với năm nay. Phương án 2, lương tối thiểu vùng năm sau tăng từ 350.000-550.000 đồng/ tháng. Phương án 3, mức lương tối thiểu năm 2016 tăng từ 375.000- 520.000 đồng/ tháng.

Như vậy, với 3 phương án được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất thì tỷ lệ tăng lương tối thiểu năm sau có mức tăng phổ biến 16-17,5% tùy theo vùng. 

Tuy nhiên, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng phương án tăng lương tối thiểu mà Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra là không có căn cứ thực tiễn, không phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Việc giải quyết tiền lương phải đặt trong lợi ích tổng thể của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh, khả năng giải quyết việc làm của nền kinh tế chứ không chỉ vấn đề lương tối thiểu. Vấn đề lương tối thiểu phải góp phần thúc đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội.

Cái lý từ đời sống người lao động

Theo kết quả khảo sát về tiền lương 2015, do Viện Công nhân Công đoàn mới thực hiện,  tiền lương trung bình (theo thời gian và khoán sản phẩm theo giờ chuẩn quy định) đang được các doanh nghiệp trả là 3,817 triệu đồng/người/tháng. Trong đó cao nhất là lương của người lao động ở vùng 1 với mức lương 4,369 triệu đồng/người/tháng. Thấp nhất là vùng 4 với mức lương lương 3,225 triệu đồng/người/tháng.

Một cuộc điều tra khác cũng của Viện này về mức sống tối thiểu vùng của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015 cho thấy, mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con) tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát là 4,247 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Trong đó, vùng I là 4,910 triệu đồng; vùng II là 4,290 triệu đồng; vùng III là 3,950 triệu đồng và vùng IV là 3,510 triệu đồng. So sánh giữa thu nhập và chi tiêu, người lao động cho biết, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn khi tiền lương tối thiểu đang thấp hơn mức sống tối thiểu gần 1 triệu đồng.

Kết quả khảo sát cho thấy,  19,9% người lao động có thu nhập “không đủ sống”; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8% cho biết “có dư dật và có tích luỹ”. Bên cạnh đó, do phải chi rất nhiều khoản nên có 62,2% người lao động không có tiền tiết kiệm; 37,8% có tiền tiết kiệm. Về mức độ hài lòng với việc làm và thu nhập hiện tại, có 34% người lao động không hài lòng; 51,2 % tạm hài lòng và chỉ có 14,9% hài lòng.

Theo tính toán chi tiết, thu nhập đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động năm 2015 theo vùng như sau, vùng I là 4,006 triệu đồng; vùng II là 3,457 triệu đồng; vùng III là 3,003 triệu đồng; vùng IV là 2,793 triệu đồng và mức sống tối thiểu năm 2016 phải từ là 4,200 - 2,900 triệu đồng tùy vùng. Và nếu căn cứ theo số liệu này, dù có tăng lương theo đúng đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam thì mức lương tối thiểu của người lao động năm 2016 cũng chỉ mới đáp ứng được 89% nhu cầu tối thiểu của người lao động. 

Cái lý của cộng đồng doanh nghiệp

Theo quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu vùng nếu tính toán không khéo có thể gây ra phản ứng ngược vì có thể doanh nghiệp cảm thấy ảnh hưởng đến lợi ích của họ ở nhiều ngành nghề chứ không riêng gì dệt may; và như vậy họ sẽ giảm lao động hợp đồng, tăng lao động thời vụ, tạo ra bất ổn xã hội. Nếu lương tối thiểu tăng lên không hợp lý sẽ thu hẹp sản xuất, giảm năng lực sản xuất và không tạo được thêm việc làm mới. Thậm chí, đẩy người lao động hiện đang có việc làm ra đường. Điều đó sẽ là vấn đề rất lớn. Mức tăng lương vì vậy phải phù hợp với sức khỏe của doanh nghiệp. 

Với mức tăng lương tối thiểu thêm 16% như đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ làm các doanh nghiệp mỗi năm mất thêm 24.000 tỷ đồng chỉ riêng các khoản phí, xã hội, chưa kể trả thêm lương cho người lao động khoảng gần 100.000 tỷ nữa.  Doanh nghiệp sẽ phải trả thêm cho người lao động ít nhất 416.000 đồng/người/tháng nếu áp dụng mức lương mới.

Căn cứ vào con số nêu trên, dẫn số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng với khoảng 35-37% lao động (khoảng 20 triệu người) được ký hợp đồng chính thức trong tổng số hơn 53 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, thì về danh nghĩa, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả thêm cho người lao động khoảng 8.320 tỉ đồng.

Chưa hết, tổng các loại phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, y tế và công đoàn mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động là 24%, thì doanh nghiệp mỗi tháng mất thêm gần 2.000 tỉ đồng và như vậy mỗi năm họ mất thêm gần 24.000 tỉ đồng. Lợi nhuận doanh nghiệp cả nước có đảm bảo chi trả được con số khổng lồ 120.000 tỷ đồng mà vẫn đảm bảo phát triển được không?

Câu trả lời là rất khó. 

Theo quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, xét theo điều kiện hiện nay, chắc chắn vấn đề tăng lương tối thiểu không thể không dựa trên cơ sở bù đủ mức trượt giá, đồng thời dựa trên năng suất lao động. Mức trượt giá của nền kinh tế Việt Nam năm nay dự báo tăng khoảng 2%. Năng suất lao động tăng 3-3,5% vì vậy, tăng lương tối thiểu khoảng dưới 10% là hợp lý. Nếu ở mức 10%, mỗi năm các doanh nghiệp chỉ phải bù cho việc tăng lương khoảng 75.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp cố gắng vẫn có thể chịu đựng được. 

Cán bộ, công chức sẽ được tăng lương vào năm 2016

 Ngay từ cuối quý 1-2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chỉ đạo xây dựng phương án cân đối nguồn lực ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 để đề xuất giải pháp điều chỉnh mức lương cơ sở đối với khu vực hành chính sự nghiệp, khả năng điều chỉnh trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Đến nay, cơ bản Bộ Tài chính đã cân đối và đề nghị kế hoạch tăng lương đối với khối khu vực hành chính sự nghiệp năm 2016. Việc tăng lương ở khu vực này gắn liền với triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ về đổi mới khu vực sự nghiệp công lập trên cơ sở chính sách khung đã được Chính phủ ban hành.

Các Bộ nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế phù hợp với đặc điểm của ngành, lĩnh vực; phân loại các đơn vị sự nghiệp công làm cơ sở xây dựng lộ trình thực hiện đổi mới. Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng bảng lương trên cơ sở tính đủ theo nhu cầu tối thiểu áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Trung ương; rà soát một số chức danh trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập như bác sỹ, nhân viên y tế trong các trường học, cơ quan Nhà nước…  Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất về đổi mới cơ chế phân bổ, hỗ trợ từ ngân sách đối với khu vực sự nghiệp công lập nhằm đảm bảo các hoạt động dần phù hợp với cơ chế thị trường, giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với  khu vực sự nghiệp công.

Xây dựng phương án cân đối nguồn lực ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 để đề xuất giải pháp điều chỉnh mức lương cơ sở đối với khu vực hành chính sự nghiệp, khả năng điều chỉnh trong năm 2016 và các năm tiếp theo đảm bảo mức lương cơ sở tương đương với mức lương tối thiểu của người lao động khối doanh nghiệp đến năm 2018. Cho đến nay, mức lương tối thiểu của người lao động khối doanh nghiệp là 2,15-3,1 triệu đồng/tháng thì mức lương cơ sở của khối hành chính sự nghiệp vẫn ở mức 1,15 triệu đồng/tháng. Việc nâng lương cơ sở để đảm bảo mức sống tối thiểu đang là nỗi mong chờ của hàng triệu can bộ công chức, viên chức khối hành chính sự nghiệp. 

Đi làm ngày 2-9 được hưởng gần gấp 5 lần ngày thường

Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội vừa có hướng dẫn về cách tính tiền 
lương tháng, tiền lương ngày nghỉ hàng năm, tiền lương ngày lễ đối với lao động làm theo ca. 

Cách tính tiền lương hàng tháng: Theo Điều 22 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động  và Điều 4 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH  hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động căn cứ vào thời gian làm việc thực tế của người lao động theo tháng, tuần, ngày, giờ.

Tính trả lương ngày nghỉ hàng năm: Nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động đi làm vào ngày  nghỉ theo chế độ quy định thì phải trả lương ít nhất bằng 300% tính theo đơn giá tiền lương trả theo công việc đang làm, chưa kể tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương đối với lao động hưởng lương theo ngày.

Theo quy định, ngày 2-9 là ngày nghỉ lễ, người lao động được hưởng nguyên lương, vì vậy, nếu người lao động phải đi làm vào dịp nghỉ lễ 2-9, người lao động sẽ được hưởng mức lương bằng 300% mức lương bình thường.

Ngoài ra, căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012, trường hợp người lao động làm thêm vào ban đêm vào ngày 02/9/2015 sẽ được hưởng thêm 90% tiền lương của ngày bình thường. Như vậy cùng chế độ hưởng lương ngày nghỉ 2-9, người lao động đi làm ngày này sẽ được hưởng mức lương bằng 490% lương ngày thường. 

Tin cùng chuyên mục