Tăng lương tối thiểu vùng: Giám sát chặt khâu thực hiện

ANTĐ - Từ ngày 1-1, mức lương tối thiểu vùng đã được áp dụng mức mới (tăng thêm 12,4%). Trước những băn khoăn của người lao động về khả năng doanh nghiệp sẽ cắt giảm các khoản phụ cấp để cân đối, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính khẳng định sẽ nâng cao vai trò giám sát, đảm bảo mức tăng đúng với quy định của pháp luật.

Tăng lương tối thiểu vùng: Giám sát chặt khâu thực hiện ảnh 1Người lao động lo doanh nghiệp cắt thưởng Tết vì tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng từ ngày 1-1-2016 cụ thể như sau: vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhằm bù đắp sự trượt giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng năng suất lao động và đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, trái với sự phấn khởi khi lương tăng thêm, nhiều người lao động lại lo ngại giá cả sinh hoạt cũng tăng theo. Với doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ kéo theo sự gia tăng chi phí sản xuất.

Mặt khác, lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trùng với thời điểm thay đổi việc đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, gần kề với thời điểm chi trả thưởng Tết Nguyên đán 2016. Do vậy, ngoài mối lo về giá cả leo thang, người lao động lo doanh nghiệp sẽ phản ứng tiêu cực bằng cách cắt giảm một số khoản hỗ trợ, thậm chí cả tiền thưởng Tết để bù đắp chi phí phát sinh.

Theo ông Mai Đức Chính, lương tối thiểu vùng chỉ là mức sàn, là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, thương lượng. Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp đã trả cao hơn mức này nhưng không muốn tăng lương tối thiểu để giảm các chi phí khác như bảo hiểm xã hội. Việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm là để người lao động tăng thêm thu nhập, đảm bảo đủ chi trả mức sống tối thiểu.

Theo tính toán, mức lương tối thiểu năm 2015 mới chỉ đáp ứng được 72% mức sống tối thiểu, khi tăng lên 12,4% cũng mới đáp ứng được khoảng 80%. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn khuyến khích việc doanh nghiệp trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng và công khai mức điều chỉnh cho người lao động biết.

Ông Mai Đức Chính cho biết, “Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã nêu rõ, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp”.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Tổng liên đoàn đã chỉ đạo công đoàn cơ sở giám sát việc thực hiện lương tối thiểu vùng cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp khác tại doanh nghiệp để tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp “né tránh” thực hiện, không đảm bảo quyền lợi của người lao động.