Tăng lương hưu từ 10 - 15%: Chọn phương án nào thì có lợi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việc điều chỉnh lương hưu là cần thiết, góp phần cải thiện thêm điều kiện về đời sống cho người nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào, tăng vào thời điểm nào thì cần phải có sự tính toán cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang xây dựng dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, trong đó đề xuất mức tăng có thể từ 10 - 15% tùy vào thời điểm là từ ngày 1-7-2021 hoặc 1-1-2022. Dự thảo này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương hưu là cần thiết để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Xây dựng 2 phương án

Trong dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 2 phương án. Phương án 1, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh từ ngày 1-7-2021, mức tăng dự kiến là 10%. Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức này nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của năm 2019 và 2020 do trong năm 2020 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; đồng thời, mức điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội trong các năm 2019 và 2020 (khoảng 11%), như vậy phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội.

Nếu thực hiện theo phương án này thì, theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính là 925.189 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu người, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh tăng lương hưu trong bối cảnh hiện nay cần cân nhắc các yếu tố về thời điểm và mức tăng sao cho phù hợp. Nếu ngân sách và Quỹ Bảo hiểm y tế có thể cân đối để tăng sớm hơn cho người hưởng lương hưu thì đó là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong cả 2 năm 2020 và 2021, Chính phủ không thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở nên việc điều chỉnh tăng lương hưu trong năm 2021 sẽ tạo tâm lý so sánh giữa người nghỉ hưu và người tiếp tục làm việc, giữa những người nghỉ trước thời điểm điều chỉnh và sau thời điểm điều chỉnh.

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Phương án 2, thời điểm điều chỉnh từ ngày 1-1-2022 thì mức điều chỉnh là 15%. Mức điều chỉnh này được xác định dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của các năm 2019, 2020, 2021; đồng thời, mức điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội trong 3 năm nói trên (khoảng gần 17%), như vậy phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội. Nếu thực hiện theo phương án này thì số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả ước tính là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế).

Tăng lương để đáp ứng mức sống của người nghỉ hưu

Ngay khi tiếp nhận thông tin trên, nhiều người lao động, cán bộ về hưu bày tỏ niềm vui mừng với những đề xuất cơ quan soạn thảo đưa ra. Bà Nguyễn Thị Lan (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020, lương hưu và trợ cấp hàng tháng của người lao động, cán bộ về hưu chưa được điều chỉnh. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, giá cả hàng hóa thị trường tăng cao nên cuộc sống của những người thụ hưởng chính sách gặp không ít khó khăn. Việc tăng lương hưu sẽ giúp người già thêm chút tiền để trang trải cho cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Lan mong muốn được hưởng mức tăng 15% từ ngày 1-1-2022 hơn là được hưởng mức tăng 10% từ ngày 1-7-2021.

Bàn về vấn đề điều chỉnh lương hưu, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, trong đại dịch Covid-19 khó khăn này thì tâm lý muốn tăng lương là chính đáng của người lao động và ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Nhiều năm qua, Chính phủ đã điều chỉnh lương hưu hàng năm cùng với thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu, lương cơ sở để đời sống của người nghỉ hưu đỡ khó khăn hơn. Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định, Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Do vậy, khi các điều kiện đầy đủ, thì việc điều chỉnh lương hưu cần được điều chỉnh.

Tính toán, cân đối nguồn tăng

Trả lời câu hỏi thời điểm nào tăng lương hưu thì hợp lý, ông Lê Đình Quảng cho hay: “Đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp, đang gặp khó khăn thì dĩ nhiên tăng càng sớm càng quý. Nếu ngân sách và Quỹ Bảo hiểm xã hội đáp ứng được thì tăng từ 1-7-2021 với tỷ lệ 15% sẽ là phương án được mong chờ nhất, nhưng rõ ràng để cân đối được ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp là khá khó khăn. Trên quan điểm của số đông, tôi cho rằng chậm 6 tháng nhưng tỷ lệ hưởng được tăng thêm có lẽ sẽ là phương án có lợi hơn cho người thụ hưởng”.

Dưới góc độ chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, việc điều chỉnh tăng lương hưu trong bối cảnh hiện nay cần cân nhắc các yếu tố về thời điểm và mức tăng sao cho phù hợp. Nếu ngân sách và Quỹ Bảo hiểm y tế có thể cân đối để tăng sớm hơn cho người hưởng lương hưu thì đó là điều ai cũng mong muốn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong cả 2 năm 2020 và 2021, Chính phủ không thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở nên việc điều chỉnh tăng lương hưu trong năm 2021 sẽ tạo tâm lý so sánh giữa người nghỉ hưu và người tiếp tục làm việc, giữa những người nghỉ trước thời điểm điều chỉnh (được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội) và sau thời điểm điều chỉnh (không được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội). Do đó, khi tính đến việc tăng lương hưu cũng phải xem xét đến sự đồng bộ và hài hòa với các chính sách, đối tượng khác.

Về phía cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, cho biết, dự thảo sẽ được lấy ý kiến trong vòng 2 tháng, sau đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp lại trình Chính phủ để chốt phương án. Tuy nhiên, nêu quan điểm của mình tại dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để bố trí kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng cho các nhóm đối tượng và không quá tạo ra áp lực cho ngân sách Nhà nước khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp thì Bộ đề xuất thực hiện theo phương án 2.