Tăng đột biến vụ việc tung tin có bom, vật liệu nổ trên máy bay

ANTĐ - Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2014, tình trạng mất an toàn, an ninh hàng không tăng đột biến so với cùng kỳ. Đặc biệt là tình trạng hành khách tung tin có bom, vật liệu nổ trên máy bay.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra tổng số 175 sự cố an toàn bay, tăng 34 vụ  so cùng kỳ năm 2013.

Đánh giá về tình hình anh toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các đơn vị thực hiện các khuyến cáo, yêu cầu; việc áp dụng chế tài trong trường hợp phát hiện sai lỗi còn hạn chế.

Cụ thể, công tác giám sát trực tiếp của các cảng vụ còn yếu, thiếu nhân lực chuyên môn sâu; sự phối hợp giữa đơn vị thi công, sân bay, đài chỉ huy chưa tốt; hệ thống đánh số sân đỗ chưa khoa học; vẫn còn để xảy sự cố hàng không do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay, lỗi hệ thống; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho hành khách còn kém hiệu quả dẫn đến các vụ hành khách không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không tăng mạnh.

Liên quan đến vấn đề an ninh hàng không, theo Cục Hàng không, cũng trong thời gian trên, cả nước đã ghi nhận 171 vụ việc vi phạm về an ninh hàng không, tăng 77 vụ tương ứng với 82% so với cùng kỳ năm 2013.

Tăng đến 700% số vụ việc tung tin có bom, vật liệu nổ trên tàu bay

Số vụ vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay tăng 450%. Các trường hợp này đều do xác nhận nhân thân không đúng của chính quyền cấp xã, phường vì mục đích kinh tế, hợp thức để sử dụng giá vé rẻ.

Đáng lưu ý là  tình trạng tung tin có bom, vật liệu nổ khi đi tàu bay tăng đột biến, tăng 7 vụ tương đương 700%. Các vụ trên đều do sự thiếu hiểu biết của hành khách

Ngoài ra, hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định tăng 50%, chủ yếu trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. Số vụ gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, nhân viên hàng không thực hiện không đúng nhiệm vụ tăng 182%.

Lý giải về những tồn tại, hạn chế của công tác bảo đảm an ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, các hãng hàng không Việt Nam chưa thực hiện tốt việc triển khai các quy định của pháp luật Việt Nam tại sân bay nước ngoài; chưa thiết lập hệ thống bảo đảm an ninh độc lập của hãng. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, phối hợp của Cục Hàng không, Cảng vụ hàng không về bảo đảm an ninh hàng không còn một số hạn chế.

Ngoài ra,  tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong tháng 7 dù được cải thiện nhưng không đáng kể. Cụ thể, trong tháng 7, tỷ lệ chậm là 20,7%, tỷ lệ hủy là 1,4%, tổng cộng tỷ lệ chậm hủy chuyến là 22,1%, trong khi bình quân 7 tháng đầu năm của tỷ lệ này là 23,9%.

Đứng đầu chậm, hủy chuyến là hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (chậm chuyến chiếm 41,5%  hủy chuyến 3,4%), tiếp đến là Vietjet Air chậm chuyến 40,1%  hủy chuyến 3,2%. Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm, hủy chuyến thấp hơn, trong đó chậm chuyến là 13,1%, hủy chuyến 2,6%, Vasco chậm chuyến thấp nhất khi chỉ chiếm 10,1%, hủy chuyến 7,5%.