Tăng dân số cơ học nhanh, thiếu đất xây dựng, nhiều trường học Hà Nội chậm đạt chuẩn quốc gia

ANTD.VN - Rà soát việc xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Hà Nội vào  điểm chuẩn bị kết thúc năm học 2019-2020 và tuyển sinh năm học mới, nhiều địa phương cho biết, tình trạng “nợ” tiêu chí sĩ số lớp học xảy ra khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân chính khiến mục tiêu xây dựng trường chuẩn bị “vỡ” kế hoạch.

Chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa trường học và nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đang được các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội triển khai.

Báo cáo đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết, quận có 27 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 54%. Ông Thuận cũng cho rằng, đây là mức thấp so với các quận huyện khác trên địa bàn thành phố. Được biết, với tỷ lệ này, quận Ba Đình xếp thứ 29/30 quận huyện thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.

Với nhiều tên tuổi về chất lượng được phụ huynh tin tưởng như tiểu học Kim Đồng, Thành Công B, Phan Chu Trinh… nhưng đều chưa đạt chuẩn quốc gia, trong đó nguyên nhân chính vẫn là sĩ số học sinh trên lớp cao, diện tích mặt bằng không đạt tiêu chuẩn về diện tích học sinh/học sinh theo quy định. Đáng nói, theo kế hoạch đặt ra cho năm 2019 có 2 trường đạt chuẩn quốc gia thì quận Ba Đình đã không hoàn thành bởi không có trường nào được công nhận.

Sĩ số học sinh ở mức cao khiến cho tỷ lệ trường đạt chuẩn đạt mức gần như thấp nhất toàn thành phố

Ngày 11/6, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND Thành phố đã khảo sát việc đảm bảo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia tại trường tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình. Đoàn giám sát đánh giá, với vị trí không thuận lợi do lối vào nằm trong ngõ nhỏ, diện tích trường hạn chế, tuy nhiên nhà trường đã khắc phục khó khăn để bố trí cơ sở vật chất đáp ứng chuẩn quốc gia.

Với diện tích hạn chế, nhà trường bố trí 19 lớp với 892 học sinh, các lớp học khang trang, sạch sẽ, tuy nhiên nhà giáo dục thể chất còn thiếu nhiều điều kiện hoạt động, phòng bếp chật hẹp, khu vệ sinh quá nhỏ.

Được biết, trường tiểu học Thủ Lệ đạt chuẩn quốc gia từ năm 2012 và được công nhận lại năm 2018, tuy nhiên trường có 2 tiêu chí không đạt. Hiệu trưởng trường tiểu học Thủ Lệ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tiêu chí không đạt là sĩ số 35 học sinh/lớp bởi thực tế là sĩ số trung bình của trường là 45-46 học sinh/lớp.

Nhà trường kiến nghị một số phòng học, phòng chức năng đã xuống cấp cần phải sửa chữa, cải tạo, đặc biệt là khu nhà vệ sinh. Trường hiện đã có quyết định của UBND quận về xây dựng lại khu bếp, phòng đa năng, khu vệ sinh để giữ vững trường chuẩn quốc gia.

Còn tại quận Hoàng Mai, áp lực dân số cơ học cao do hình thành nhiều khu đô thị mới. Những phường có dân số mật độ cao, phát triển nhanh gồm Đại Kim, Định Công, Tân Mai, Hoàng Liệt… trong khi đó đất quy hoạch xây trường ít, diện tích trường nhỏ.

Bình quân toàn quận là 46 học sinh/lớp ở tất cả các khối, trong đó tiểu học là đông nhất 51 học sinh/lớp, THCS là 46 học sinh/lớp, sau 17 năm tăng 23 vạn dân. Hiện quận Hoàng Mai là đông dân nhất trên toàn thành phố với khoảng 60 vạn dân.

Bình quân mỗi năm mức tăng dân số bằng một phường. Những vấn đề này đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện quận này có 35/54 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 64,8%.

Khảo sát trường tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho thấy, trường có sĩ số học sinh trên lớp khá cao bởi dân số trong phường trên 3 vạn dân. Trường này cũng có 42 lớp, lớn hơn so với tiêu chuẩn một trường chuẩn quốc gia.

Trưởng đoàn giám sát, Trưởng ban Ban Văn hóa-Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP về việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của Hà Nội cho thấy, có rất nhiều vấn đề cần kiến nghị, giải quyết.

Theo ông Bình, các quận mà đoàn đến khảo sát đều cho thấy sự quan tâm, đầu tư cao cho giáo dục, tuy nhiên, trước áp lực dân số cơ học các quận này đều gặp hạn chế về cơ sở vật chất để tiến tới mục tiêu trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đặc biệt, việc vẫn tồn tại một số phường chưa có trường công lập, Trưởng đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội - HĐND Thành phố nhấn mạnh về việc chính quyền địa phương cần bám sát quá trình chuyển đổi trụ sở các cơ quan nhà nước để đề xuất đất dành cho xây trường với một kế hoạch dài hơi, đảm bảo đủ trường công cho người dân ở từng địa bàn.