Tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa Covid-19 ở người cao tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người cao tuổi sức đề kháng bị suy giảm, hệ miễn dịch yếu hơn, vì vậy, nếu không thực hiện phòng tránh đúng cách, người lớn tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 rất cao.
Nếu không thực hiện phòng tránh đúng cách, người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc Covid-19

Nếu không thực hiện phòng tránh đúng cách, người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc Covid-19

Các biện pháp giúp người già phòng tránh Covid-19

Hạn chế ra ngoài. Người già nên hạn chế ra ngoài khi thời tiết có thay đổi, khiến cơ thể khó thích nghi, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm của Covid-19 chủng mới, nên hạn chế ra ngoài, tránh nguy cơ tiếp xúc với virus để giảm khả năng nhiễm bệnh.

Môi trường sống cần thông thoáng. Nhà ở, nơi nghỉ ngơi của người cao tuổi trong gia đình cần phải luôn sạch sẽ, thoáng khí, đảm bảo không khí trong lành để quá trình hô hấp của cơ thể không gặp bất lợi.

Ăn đủ chất, uống đủ nước. Người cao tuổi cần ăn đủ chất, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nước cũng rất quan trọng, mỗi ngày cần bổ sung 1,5 - 2 lít nước cho cơ thể. Khi không khát, người già cũng có thể uống các loại trà hoặc nước ấm để có sức khỏe tốt hơn trong mùa dịch.

Tránh tập trung đông người, cần giữ vệ sinh chung. Nếu cần thiết phải ra ngoài, người già cần đeo khẩu trang, tránh tập trung khu vực đông người, tránh ở trong không gian kín. Những người cao tuổi cũng nên chuẩn bị giấy vệ sinh khi ho, hắt hơi có thể sử dụng, và chuẩn bị nước rửa tay khô để sát khuẩn tay thường xuyên sau khi chạm vào các bề mặt.

Khi nào cần đến bệnh viện? Các dấu hiệu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là ho, sốt, khó thở, đau họng, nhức đầu. Các triệu chứng này có điểm tương tự như khi mắc bệnh cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, không nên chủ quan trong lúc cao điểm này, vì có thể bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Nếu không phát hiện và được điều trị kịp thời, ngoài việc có thể lây nhiễm cho người khác, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt có thể gây các biến chứng không mong muốn ở người già, thậm chí tử vong.

Vì vậy, người thân trong gia đình cần liên hệ và đưa người già đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19. Ngoài ra, nếu người cao tuổi có các yếu tố dịch tễ liên quan đến các bệnh nhân đã nhiễm virus, hoặc đi từ vùng dịch về, cần liên hệ ngay tới trung tâm kiểm soát dịch bệnh của địa phương. Như vậy, người già có thể được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ dẫn đến các hậu quả như biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong.

Những loại vaccine người cao tuổi cần tiêm

Vaccine phòng cúm. Virus cúm thường xuyên thay đổi, có thể xuất hiện nhiều chủng mới nên tiêm nhắc lại để đảm bảo vaccine đang sử dụng phù hợp với chủng virus cúm hiện hành. Người cao tuổi, có bệnh lý mãn tính có thể tiêm vaccine cúm.

Vaccine Tdap phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván. Người già nên tiêm phòng vaccinne Tdap (vaccine phòng uốn ván, bạch hầu, ho gà) bởi vẫn có nguy cơ bị ho gà nhưng triệu chứng thường nhẹ hơn so với trẻ em. Ngoài ra, vaccine này cũng giúp người già phòng bệnh uốn ván nếu đã tiêm phòng cách đó ít nhất 10 năm.

Vaccine phế cầu. Ở trẻ em, phế cầu có thể gây ra các bệnh như nhiễm trùng tai, viêm phổi hoặc viêm màng não. Nhưng ở người lớn tuổi, phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm phổi.

Vaccine gây bệnh zona. Vaccine phòng bệnh zona thần kinh được khuyến cáo cho người từ 60 tuổi trở lên. Nguyên nhân là do nguy cơ mắc bệnh zona tăng lên theo độ tuổi do sự tái hoạt động của virus. Người già vẫn cần tiêm phòng zona thần kinh ngay cả khi đã từng mắc căn bệnh này trước đó.

Vaccine phòng sởi, quai bị và rubella. Người già, người cao tuổi nên tiêm phòng bệnh sởi - quai bị - rubella kết hợp (MMR) nếu được sinh ra trong hoặc sau năm 1957 và chưa bao giờ được tiêm phòng một chủng ngừa MMR nào. Trước khi tiêm vaccine, người cao tuổi cần chia sẻ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân, bệnh lý mắc phải và loại thuốc đang sử dụng...

Viêm gan A, B. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hiệu quả của vacine viêm gan B đạt khoảng 95%. Nếu chưa nhiễm bệnh và chưa có kháng thể chống virus này thì nên tiêm ngừa 3 mũi.

Thủy đậu. Dù bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ em nhiều hơn nhưng nếu người cao tuổi chưa tiêm vaccine tiếp xúc với nguồn lây dễ mắc bệnh. Người cao tuổi có thể tiêm hai mũi vaccine thủy đậu, mũi hai cách mũi đầu tối thiểu một tháng.