Tăng cường sức đề kháng chống lại Covid-19 trong mùa dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mùa dịch Covid-19 bùng phát trở lại, việc tăng cường thể lực và dinh dưỡng giúp cho người dân tăng cường hệ miễn dịch là rất cần thiết.

Dinh dưỡng đầy đủ trong mùa dịch

Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, ăn thêm các bữa phụ để đảm bảo năng lượng và các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Với trẻ dưới 2 tuổi, duy trì chế độ bú mẹ kết hợp với các bữa ăn bổ sung hợp lý theo hướng dẫn. Tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, tôm, cua, sữa, đậu đỗ… để duy trì hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh.

Ăn nhiều rau quả tươi các loại như rau lá có màu xanh đậm, củ quả có màu vàng và đỏ, quả chín. Rau quả cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng khả năng đề kháng chống lại nhiễm khuẩn. Không ăn kiêng nếu không có chỉ định của thầy thuốc, cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau trong 1 bữa và trong 1 ngày.

Hạn chế ăn các thực phẩm có hại cho cơ thể (thực phẩm ăn liền; thức ăn chế biến sẵn có chứa nhiều mỡ động vật, đường, hoặc nhiều muối; thực phẩm để quá lâu không còn tươi…). Đảm bảo thức ăn phải được nấu chín và tốt nhất là ăn ngay sau khi nấu. Uống đủ lượng nước theo nhu cầu (mỗi ngày từ 2-2,5 lít, ít nhất 1,5 lít), nên uống nước ấm. Có thể bổ sung thêm các loại nước hoa quả, không cho thêm đá và đường khi sử dụng.

Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trước và sau khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Không sờ tay lên mắt, mũi, miệng để hạn chế nhiễm mầm bệnh. Hạn chế uống rượu bia, tránh tụ tập đông người để phòng nhiễm bệnh.

Duy trì sức khỏe thể chất

Tập luyện thể dục thể thao giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tấn công nhanh hơn các loại virus xâm nhập. Thời gian vận động được khuyến nghị là đối với người lớn 30 phút/ngày, đối với trẻ nhỏ 1 giờ/ngày. Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã hướng dẫn một số cách vận động để mọi người có thể tập luyện ở nhà trong mùa dịch như: leo cầu thang, tập các bài co duỗi chân tay, nhảy dây, tập các bài luyện cơ bắp và thăng bằng.

Mặt khác, khi làm việc tại nhà, cần chú ý, thường xuyên kiểm tra tư thế ngồi làm việc; nên thay đổi tư thế, ngồi xuống và đứng lên khi làm việc; đi lại, trao đổi qua điện thoại hoặc xem ti vi, nghe nhạc... Mọi người cũng có thể tham gia các lớp tập thể dục trực tuyến, tìm và tập theo các bài tập có hướng dẫn trên mạng, nhún nhảy theo nhạc, hoặc thực hành các trò chơi vận động qua video…

Bảo vệ sức khỏe nơi làm việc

Đeo khẩu trang đúng: Việc phải tiếp xúc với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng thì trang bị khẩu trang là việc cần làm đầu tiên. Đeo khẩu trang giúp bảo vệ chính mình và đồng nghiệp, tránh nguy cơ lây nhiễm mỗi khi ho, hắt hơi. Bảo đảm an toàn đặc biệt là những nơi có không gian hẹp như: trong thang máy, phòng họp, phòng ăn, nhà vệ sinh...

Trang bị rửa tay khô kháng khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn: Trong mỗi nơi làm việc nên trang bị các chai xịt rửa tay khô kháng khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, khi đi ra ngoài cũng cần mang theo những chai rửa tay khô kháng khuẩn nhỏ gọn để dùng. Bên cạnh đó, cần có chai nước muối kháng khuẩn để xịt mũi, họng khi cần thiết.

Giữ vệ sinh bàn làm việc: Người làm văn phòng cần duy trì môi trường làm việc luôn sạch sẽ, nhất là bàn làm việc cá nhân. Thường xuyên lau dọn bàn làm việc, vệ sinh những đồ dùng có khả năng khiến bạn nhiễm bệnh như bàn phím và chuột máy tính… Tuyệt đối không nên để rác thải đặc biệt là thức ăn trên bàn làm việc vì đó sẽ là nơi trú ngụ thuận lợi của vi khuẩn.

Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể: Stress trong công việc cũng như lười vận động hay những bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng sẽ làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm dịch bệnh cho người làm công sở. Hãy uống các loại nước trái cây tự nhiên từ 1 - 2 ly mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.

Tập thể dục 15-20 phút mỗi ngày: Hãy dành ít thời gian luyện tập cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Hãy tranh thủ thời gian nghỉ giải lao vào buổi trưa để tập các động tác cơ bản tăng cường sự dẻo dai, linh hoạt và phòng ngừa những bệnh thường gặp ở người làm văn phòng.

Khám sức khỏe định kỳ: Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo rằng, nên tầm soát sức khỏe của mình và đi khám sức khỏe định kỳ để tránh việc bệnh đã tiến triển rồi mới đi khám. Hãy dành thời gian để tầm soát sức khỏe định kỳ mỗi năm để yên tâm có sức khỏe tốt làm việc và kịp thời điều trị tại cơ sở y tế nếu có bệnh lý.