Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang:

Tăng cường nguồn lực, xây dựng sản phẩm hấp dẫn để níu chân du khách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nằm trong chuỗi các nỗ lực phục hồi du lịch sau khủng hoảng dịch Covid-19, ngành du lịch Hà Nội đang triển khai một loạt các hoạt động kích cầu, hình thành các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đồng thời phát động phong trào “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” đặc biệt thú vị. An ninh Thủ đô Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội xung quanh các hoạt động này.

- Phóng viên: Năm 2020 ngành du lịch Việt Nam chịu khủng hoảng trực tiếp và nặng nề nhất vì dịch Covid-19. Cho đến thời điểm hiện tại, thống kê của du lịch Hà Nội thiệt hại như thế nào, thưa bà?

- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, ngành du lịch Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn. Năm 2020, số lượng du khách đến Hà Nội chỉ bằng 30% so với năm 2019 (đạt 8,65 triệu lượt khách); tổng thu từ khách du lịch giảm 73% so với năm 2019 (đạt 28,02 nghìn tỷ đồng). Từ cuối tháng 1-2021 đến nay, do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong quý I-2021 khách du lịch nội địa chỉ đạt 1,93 triệu lượt, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm trước; khoảng 95% đại lý lữ hành đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động; đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp đại lý lữ hành, tương đương với 12.168 người; dịch vụ vận chuyển khách du lịch ước doanh thu giảm trên 90% so với cùng kỳ năm 2020.

- Một trong những giải pháp trước mắt là thúc đẩy du lịch nội địa, Hà Nội đã triển khai việc này thế nào, thưa bà?

- Hiện ngành du lịch Thủ đô đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch đồng bộ thu hút khách du lịch nội địa. Cụ thể, chúng tôi tập trung xây dựng triển khai, các sản phẩm du lịch mới, độc đáo phục vụ khách du lịch trong nước, triển khai trải nghiệm chương trình du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì, Bảo tàng Dân tộc học, tổ chức nhiều các chương trình ý nghĩa để thu hút du khách như: Hương mùa thu Hà Nội, Ngày của gia đình, Vui hè khám phá cùng bạn bè…

Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tham mưu với UBND TP, phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng, triển khai các chương trình, sự kiện du lịch lớn như: Lễ hội du lịch - văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021, Lễ hội quà tặng du lịch, Festival Áo dài,… Sắp tới đây, tại sự kiện Lễ hội du lịch - văn hóa ẩm thực Hà Nội diễn ra từ ngày 16 đến 18-4. Sở Du lịch cũng sẽ tổ chức Hội nghị các sản phẩm du lịch nội địa năm 2021 vào ngày 16-4, công bố danh sách các sự kiện văn hóa, thể thao du lịch năm 2021, công bố hàng trăm tour tham quan Hà Nội và Hà Nội - các địa phương của các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn, với nhiều hình thức khuyến mãi: giảm giá từ 15%-35% giá tour, nhiều voucher và quà tặng kèm theo hấp dẫn.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa là tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội trên các kênh thông tin đại chúng, thông qua các ứng dụng, nền tảng công nghệ. Đặc biệt, Sở đã được UBND TP cho phép triển khai Chương trình tuyên truyền quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Travel; S Vietnam; ẩm thực đường phố; Chương trình V Việt Nam; Chuyển động 24h của Đài Truyền hình Việt Nam); trên sóng của kênh HanoiTV1 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; quảng bá ngoài trời tại TP.HCM từ tháng 4 đến 12-2021. Song song đó là các hoạt động hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển, điểm đến, triển khai các chương trình kích cầu du lịch như giảm giá vé, tặng ưu đãi khách tham quan, triển khai các dịch vụ, sản phẩm đi kèm khi tham quan, trải nghiệm.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại di sản Hoàng thành Thăng Long về đêm

Du khách tham quan, trải nghiệm tại di sản Hoàng thành Thăng Long về đêm

- Hà Nội được đánh giá là một thành phố có rất nhiều tiềm năng về du lịch với hệ thống dày đặc các di tích, di sản, vùng sinh thái… nhưng lại chưa đầu tư hiệu quả, tận dụng được lợi thế. Ngành du lịch Thủ đô phải làm gì để có thể xóa được quan niệm “ăn tối - rối nước” đã từng có?

- Để thực sự có thể tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngành du lịch Hà Nội đặt ra mục tiêu phải tái cơ cấu căn bản, toàn diện ở các mặt lĩnh vực. Thời gian tới, ngành du lịch tập trung phát triển các nhóm sản phẩm du lịch di sản, khai thác phát huy giá trị văn hóa, lịch sử tại các điểm di sản. Phát triển và hoàn thiện các sản phẩm mới tại Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò… Phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp trải nghiệm tại chùa Hương, cụm di tích đền Tản Viên Sơn Thánh, K9, Cổ Loa, đền Sóc...

Tiếp tục phát triển những sản phẩm nhóm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao) tại các địa phương có tiềm năng và điều kiện thuận lợi khu vực các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng… Tập trung phát triển kinh tế đêm thông qua mở rộng hoạt động dịch vụ tại các khu phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; nghiên cứu sớm tổ chức thêm một số tuyến phố đi bộ đêm tại khu vực hồ Thiền Quang, thành cổ Sơn Tây…

Hiện nay, ngay bản thân các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú đặc biệt là các đơn vị điểm đến đều chủ động, tích cực, sáng tạo trong đầu tư cho du lịch, xây dựng các sản phẩm mới chất lượng, có tính giá trị lâu bền. Sở sẽ tạo mọi điều kiện, cơ chế để các đơn vị có thể tiếp tục đầu tư cả chất xám và nguồn lực tài chính để đưa ra nhiều sản phẩm chất lượng kéo dài thời gian thu hút nhiều khách du khách và kéo lưu trú của khách du lịch

- Ngoài nỗ lực kích cầu “người Việt đi du lịch Việt”, Hà Nội có tiếp tục nghiên cứu tour dành riêng cho du lịch nội địa?

- Chúng tôi đang tổ chức rất nhiều hội nghị với các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, các đơn vị quản lý các khu, điểm du lịch, các làng nghề, làng cổ trên địa bàn để có thể xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống phục vụ tốt nhất cho khách du lịch trong nước.

Vừa qua, Sở Du lịch đã kết nối giữa Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Vì và Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng để nghiên cứu, xây dựng các tour du lịch trong ngày, tour 2 ngày 1 đêm trải nghiệm hoạt động hái thuốc, sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc Dao. Phối hợp với các hãng lữ hành khảo sát và xây dựng được các tour du lịch trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm... và có nhiều kết quả tích cực. Thời gian tới Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với các đơn vị để xây dựng các tour trải nghiệm chất lượng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Vườn Quốc gia Ba Vì là điểm đến không thể bỏ qua

Vườn Quốc gia Ba Vì là điểm đến không thể bỏ qua

- Được biết, sắp tới Hà Nội sẽ phát động chương trình “Người Hà Nội du lịch Hà Nội”, với tư cách là người đứng đầu ngành du lịch Thủ đô, nếu có một lời khuyên cho du khách thì bà khuyên họ nên đi đâu?

- Hà Nội có rất nhiều điểm đến hấp dẫn, chất lượng đáp ứng tất cả các nhu cầu của du khách. Đối với những ai thích trải nghiệm có thể chọn tour du lịch đêm tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Đối với khách du lịch ưa thích làng nghề, cộng đồng, có thể dành thời gian đến với Bảo tàng Dân tộc học, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam hoặc làng gốm Bát Tràng. Còn với những ai muốn thử thách bản thân, thì có thể trải nghiệm leo núi, một số trò chơi mạo hiểm tại Vườn quốc gia Ba Vì, Công viên Thiên đường Bảo Sơn... Tất cả những điểm đến này sẽ đem lại những trải nghiệm mới để mỗi người dân thêm yêu, thêm hiểu về Thủ đô của chúng ta.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!