Tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong Cộng đồng ASEAN

ANTĐ - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa trở về từ Kuala Lumpur (Malaysia) sau Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 với một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng là việc các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015 tới. Bên hành lang Quốc hội ngày 23-11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời nhiều câu hỏi nóng liên quan đến lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp Việt Nam, khi Cộng đồng ASEAN hình thành. 
Tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong Cộng đồng ASEAN ảnh 1

- PV: Khi gia nhập Cộng đồng ASEAN, người dân và doanh nghiệp nước ta rất quan tâm đến sự thay đổi trong một môi trường rộng lớn hơn của khu vực. Phó Thủ tướng có thể nói gì trước những mối quan tâm thiết thân này? 

- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đứng về mặt chính trị, 10 nước trong Cộng đồng ASEAN có quan hệ gần gũi và cùng chia sẻ trách nhiệm. Vai trò của cả cộng đồng tăng lên, thì vai trò của từng nước sẽ tăng lên và ngược lại vai trò của từng nước tăng lên sẽ làm vai trò của cả cộng đồng tăng lên. Cộng đồng ASEAN có vai trò hết sức quan trọng, vì đây là một trong những trung tâm chính trị của thế giới. Về mặt kinh tế, Cộng đồng ASEAN sẽ là một cộng đồng có cơ sở kinh tế và cơ sở sản xuất chung.

Nếu tận dụng được cơ hội trong Cộng đồng ASEAN, thị trường của chúng ta không chỉ là hơn 90 triệu dân, mà sẽ là một thị trường với hơn 600 triệu dân của ASEAN. Do vậy, mỗi doanh nghiệp, người dân sẽ phải thay đổi cách thức sản xuất để nhắm vào một thị trường lớn hơn, chứ không chỉ rập khuôn phục vụ gói gọn trong 90 triệu người dân Việt Nam nữa.

Đi kèm với đó, thách thức sẽ rất lớn với chúng ta và người dân cũng như các doanh nghiệp có thể thấy sự cạnh tranh khi đó không phải trong phạm vi của đất nước hơn 90 triệu dân nữa, mà là sự cạnh tranh ở trong một thị trường của hơn 600 triệu dân và sự dịch chuyển lao động chất lượng cao.

Nếu không chuẩn bị trước, chúng ta sẽ bị cạnh tranh ngay chính trên đất nước của chúng ta. Người dân cũng được tự do di chuyển, không có hạn chế về visa nhập cảnh giữa các nước ASEAN nên rất thuận lợi cho việc tiếp cận, đi làm ăn, học hành, du lịch… Nhưng ngược lại, nếu trong nước, chẳng hạn ngành du lịch không thúc đẩy được sức cạnh tranh thì người ta cũng không tìm đến với mình, thậm chí bản thân mình còn bị “chảy máu” nguồn lợi khi người Việt sẽ đi nước ngoài du lịch chứ không đi trong nước nữa.

- Phó Thủ tướng có thể nói cụ thể hơn về việc chuyển dịch lao động sẽ như thế nào?

- Khi tất cả các lĩnh vực đều theo các tiêu chuẩn chung của khu vực, nhu cầu về lao động kỹ thuật cao, nguồn nhân lực chất lượng cao là một đòi hỏi thực sự. Hiện nay, lao động kỹ thuật cao của Việt Nam  đi làm ở các nước rất nhiều, vì rõ ràng nếu bên ngoài trả lương nhiều hơn, trong khi trong nước không có điều kiện tương xứng thì họ sẵn sàng ra nước ngoài làm. Người dân có thể tự do di chuyển để tìm kiếm cơ hội việc làm. Và đó là điều đương nhiên trong Cộng đồng ASEAN tới đây.

- Về Biển Đông, làm sao ASEAN có thể thống nhất được với nhau trong một vấn đề có thể nói là phức tạp, nhưng lại là cốt yếu với khu vực?

- Vấn đề nào cũng phải được xét trên góc độ lợi ích chung và lợi ích riêng của từng nước, từng nhóm nước. Lợi ích chung của tất cả các nước ASEAN là duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, mà việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng là lợi ích chung của ASEAN. Các nước trong Cộng đồng ASEAN đều thống nhất quan điểm là duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên biển. Vừa qua, trong ASEAN đã hoàn toàn thống nhất với nhau về vấn đề duy trì hòa bình trên Biển Đông nên mới cùng nhau hướng tới “Bộ quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông”, đó là những mục đích chung.

Không thể nói những diễn biến có liên quan đến tình hình  Biển Đông vừa qua là có mâu thuẫn giữa các nước ASEAN. Ở đây không có mâu thuẫn gì cả và vấn đề đã được đưa ra, các nước ASEAN thấy rằng quan điểm chung là cần duy trì hòa bình, an ninh trên Biển Đông.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!