Tăng cường đề kháng cho trẻ em trong mùa đông

ANTD.VN - Làm thế nào để trẻ em khỏe mạnh trong mùa đông lạnh giá? Câu hỏi này chắc chắn là mối quan tâm của không ít người.

Trẻ gặp nạn vì mẹ trị bệnh theo truyền miệng

Đợt rét đầu mùa với nền nhiệt độ giảm sâu khiến nhiều trẻ nhỏ  mắc bệnh! Trong những ngày này, trên các diễn đàn dành cho các mẹ bỉm sữa, tràn ngập những thông tin về việc làm thế nào để trị ho, trị sổ mũi, cảm cúm… cho con.

Liên quan đến việc hỏi cách chữa bệnh cho con, đầu tháng 12 vừa qua, một bé sơ sinh bị bỏng tỏi đến phồng rộp cả gan bàn chân. Nguyên nhân là bởi bé bị ho và người mẹ đã giã nhỏ tỏi, sau đó quấn vào khăn mỏng và đắp vào gan bàn chân của bé suốt đêm để giúp giảm ho, giảm khò khè mà không cần dùng đến kháng sinh. Và đây không phải là trường hợp trẻ đầu tiên gặp nạn khi được mẹ trị bệnh theo kinh nghiệm truyền miệng. Trước đó, mạng xã hội cũng xôn xao việc một bé trai 6 tháng tuổi bị bỏng nặng vì được bà lấy lá trầu không hơ nóng đắp lên ngực.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất sẽ giúp trẻ phát triển cân đối, từ đó đủ sức chống chọi được với bệnh tật. Các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, dù bạn nuôi dưỡng trẻ theo phương pháp ăn dặm truyền thống hay ăn dặm kiểu Nhật Bản thì bữa ăn cũng cần đầy đủ 4 nhóm chất là tinh bột, chất béo, chất đạm cùng các vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, bữa ăn của trẻ phải được thay đổi thường xuyên. Có như vậy hàm lượng dinh dưỡng mới phong phú, đa dạng. 

Thực chất, tỏi, trầu không hay các bài thuốc dân gian khác đều có tác dụng chữa bệnh cho trẻ, thế nhưng, khi áp dụng, chúng ta cũng cần phải để ý đến làn da của trẻ. Da của trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi rất nhạy cảm và dễ kích ứng. Đối với tỏi, nếu dùng đắp ngoài da, nếu không cẩn thận cũng có thể gây bỏng đối với cả người lớn. Bỏng tỏi cũng đã được y khoa ghi nhận khá nhiều.

Tăng cường sức đề kháng từ chế độ ăn uống

Từ những sự cố hi hữu trên, các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất để bảo toàn sức khỏe chính là nâng cao sức đề kháng cho bé, trong đó, bổ sung thực phẩm chức năng là biện pháp nhiều gia đình lựa chọn nhất. Bởi lẽ, cách làm này vừa nhanh gọn, vừa tiện lợi và có thể mua ở bất cứ hiệu thuốc nào. Tuy nhiên, việc tăng cường sức đề kháng nên bắt đầu từ chính chế độ ăn uống hàng ngày.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất sẽ giúp trẻ phát triển cân đối, từ đó đủ sức chống chọi được với bệnh tật. Và các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh: dù bạn nuôi dưỡng trẻ theo phương pháp nào: ăn dặm truyền thống hay ăn dặm kiểu Nhật thì bữa ăn cũng cần đầy đủ 4 nhóm chất là: tinh bột, chất béo, chất đạm cùng các  vitamin và khoáng chất.

Đặc biệt, bữa ăn của trẻ phải được thay đổi thường xuyên. Có như vậy hàm lượng dinh dưỡng mới phong phú, đa dạng. Chúng ta tuyệt đối tránh tình trạng cho trẻ ăn đi ăn lại một loại thức ăn trong suốt nhiều ngày. Vào mùa đông, trẻ sẽ cần nguồn thực phẩm giàu năng lượng. Thế nên, chúng ta có thể cho vào bữa ăn của trẻ thêm một chút dầu mỡ. Nếu trẻ  đã có thể ăn chung chế độ với gia đình thì có thể tăng thêm các món xào, rán. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, ngoài chất đạm, trong mùa đông, chúng ta có thể thêm các gia vị giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, rau thơm… Các loại gia vị này không chỉ giúp ngon miệng mà còn giàu chất chống ôxy hóa, giúp trẻ khỏe mạnh hơn.

Bên cạnh đó, các loại thực phẩm giàu vitamin A, K, D, canxi cũng phải tăng cường. Vitamin A có nhiều trong các loại rau có màu xanh thẫm như: cải xoong, rau muống… Canxi, vitamin D có nhiều trong các loại hải sản, cải bó xôi, cầu vồng… Và có lẽ, trước khi bàn đến một bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, chúng ta cũng cần phải đảm bảo đó là bữa ăn ngon miệng. Có như vậy trẻ mới hứng khởi khi ăn và dinh dưỡng mới đầy đủ!