Quốc hội thông qua nghị quyết:

Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm

ANTĐ - Chiều 27-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết “Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm” với tỷ lệ tán thành cao. Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đầu tư công và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.

Công an Hà Nội diễn tập trấn áp tội phạm

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã được bổ sung, thể hiện đầy đủ một số biện pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng được các vị ĐBQH kiến nghị, trong đó có việc nâng cao chất lượng công tác điều tra, thu thập đầy đủ cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội; không được bức cung, dùng nhục hình; nâng cao chất lượng các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thanh tra viên, Kiểm toán viên... Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án, không kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm...

Liên quan đến đề nghị quy định “tử hình bằng xử bắn” vào nội dung Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp giải trình: “Sau phiên thảo luận tại Hội trường vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp làm việc với Lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao về vấn đề này. Các cơ quan đều thống nhất, không bổ sung hình thức tử hình bằng xử bắn vào Nghị quyết này mà phối hợp để đẩy nhanh việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. 

Cho ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) trăn trở: “Đất nước còn nghèo, nhu cầu đầu tư rất lớn, nhiều bộ ngành địa phương có tâm lý cứ tranh thủ xin Chính phủ đầu tư rồi để đó; hoặc đầu tư với quy mô có khi gấp đôi, gấp 3 nhu cầu, lãng phí rất lớn. Tôi đề nghị nguyên tắc quan trọng khi xây dựng luật này là phạm vi điều chỉnh cần bao trùm mọi công đoạn của hoạt động đầu tư công, đảm bảo công khai, minh bạch”. 

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) thắc mắc: “Đầu tư công theo hình thức đối tác công tư có được điều chỉnh theo luật này không? Nếu không thì chưa hợp lý. Những quy chuẩn, tiêu chí đánh giá hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường của các dự án đầu tư công trong dự thảo cũng chưa rõ”. Đáng lưu ý, theo bà Nguyễn Thị Hồng Hà, cần làm rõ ranh giới giữa đầu tư công vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, tránh việc cố ý nhập nhằng để trục lợi hoặc tạo ra sự không chính xác khi đánh giá hiệu quả đầu tư.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhắc nhở, cần cá nhân hóa trách nhiệm ở từng khâu cụ thể: quyết định chủ trương, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, chứ không nên mập mờ “trách nhiệm tập thể”, dễ dẫn đến tình trạng “hòa cả làng”…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn nhận xét, việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn vừa qua đã có thực tiễn tốt (đã thực hiện phân bổ vốn đầu tư 2013-2015, đang triển khai tiếp việc phân bổ vốn giai đoạn 2014-2016), nhưng tới đây cần có tầm nhìn dài hạn hơn, bởi có những dự án đầu tư công kéo dài tới 10 năm và lâu hơn nữa. “Kế hoạch dài hạn cần mang tính định hướng, không quá cụ thể và được điều chỉnh theo từng giai đoạn, tránh dàn trải, dở dang”, ông Trần Văn kiến nghị.