Tân Tổng thư ký NATO: Liên minh có thể đưa quân tới bất kỳ nơi nào, nếu muốn

ANTĐ - Hôm 5-10, Tân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố liên minh có thể triển khai lực lượng của mình tới bất cứ nơi nào nếu muốn, bởi thỏa thuận hậu Chiến tranh lạnh đang bị lung lay trước những hành động của Nga tại Crimea và Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh cách đây một tháng của liên minh ở xứ Wales, các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý thành lập một lực lượng phản ứng nhanh, có thể triển khai tới bất kỳ điểm nóng nào trong vòng 24 giờ, và bố trí địa điểm có thể cung cấp thiết bị vật tư cho các nước Đông Âu nếu cần thiết.

Dù vậy, NATO lại từ chối lời kêu gọi của Ba Lan, thành viên trong khối ở khu vực Đông Âu về việc thiết lập lực lượng quân đội và các trạm kiểm soát lâu dài trên đất nước này, bởi liên minh không muốn phá vỡ thỏa thuận năm 1997 với Nga, không bao giờ đóng quân và triển khai lực lượng chiến đấu trên dải đất phía đông của Nga.

Tuy nhiên, ngay khi chính thức nhậm chức hôm 1-10, Tân Tổng thư ký ông Stoltenberg đã đề xuất một hành động cứng rắn hơn ở Ba Lan. Ông đã đến thăm Ba Lan hôm 5-10, để trấn an nước này bằng một lời hứa hẹn rằng NATO sẽ cung cấp và hỗ trợ quân sự vững chắc giúp đất nước chống lại những “hành động thiếu thân thiện” của Nga.

Tân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Ba Lan TVP Info, ông Stoltenberg cho biết: "Năm tới, tại hội nghị các bộ trưởng, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định liên quan đến lực lượng phản ứng nhanh của NATO, nhưng ngay cả trước khi nó được thành lập, NATO đã có một đội quân mạnh mẽ, chúng tôi có thể triển khai nó bất cứ nơi nào chúng tôi muốn”.

Ông cũng nhấn mạnh: "Những khả năng này đã tồn tại từ rất lâu. Chúng tôi luôn có những binh lính tinh nhuệ, và chúng tôi có thể triển khai tới các khu vực riêng biệt, đây chỉ là những điều bổ sung cho những gì liên minh đã có”.

Stoltenberg, cựu Thủ tướng Na Uy, đã chính thức trở thành Tổng thư ký NATO trong một thời điểm đầy thách thức khi liên minh phải đối mặt với sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan, cũng như mối lo ngại mới từ một nước Nga đang trỗi dậy ở phía đông,  và các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên phía nam của NATO.

Đối với vấn đề Ukraine, NATO đã nói rõ rằng sẽ không can thiệp quân sự đối với một đất nước không phải là thành viên của liên minh, nhưng đã tăng cường khả năng phòng thủ cho các quốc gia thành viên ở Đông Âu.