Tân Tổng thống Niger nhậm chức giữa thách thức “muôn trùng vây”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Niger được ca ngợi vì sự chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên trong lịch sử. Nhưng cuộc đảo chính bất thành diễn ra trong tuần vừa rồi cho thấy, tân Tổng thống Mohamed Bazoum sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để ổn định đất nước.
Tân Tổng thống Niger nhậm chức đánh dấu lần đầu tiên đất nước Tây Phi chuyển giao quyền lực hòa bình và dân chủ

Tân Tổng thống Niger nhậm chức đánh dấu lần đầu tiên đất nước Tây Phi chuyển giao quyền lực hòa bình và dân chủ

Chỉ 2 ngày sau khi bị những binh sĩ nổ súng vào dinh Tổng thống ở Thủ đô Niamey, hôm 2-4 vừa qua, ông Mohamed Bazoum - Tổng thống mới đắc cử của Niger đã chính thức nhậm chức. Truyền thông nước này cho hay, đội cận vệ của tổng thống đã đẩy lùi được vụ tấn công sau cuộc đấu súng kéo dài 30 phút. Người phát ngôn của chính phủ xác nhận, một số quân nhân đã bị bắt giữ và cuộc điều tra đang mở rộng.

Ngay cả khi không xảy ra cuộc đảo chính nói trên, chính phủ mới của Tổng thống Bazoum vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để kiến tạo lại sự ổn định cho Niger. Sau bầu cử, đã có nhiều cuộc tấn công khủng bố nhằm vào dân thường ở các vùng biên giới phía Tây của Niger tiếp giáp với Mali và Burkina Faso khiến hơn 300 người thiệt mạng. Tệ hơn nữa, ứng cử viên Tổng thống bị đánh bại là ông Mahamane Ousmane vẫn từ chối chấp nhận kết quả bầu cử. Thay vào đó, ông đưa vấn đề ra tòa, dẫn đến các cuộc biểu tình hàng loạt do những người ủng hộ ông dẫn đầu. Lực lượng an ninh đã rất mạnh tay trong việc trấn áp các cuộc biểu tình với ít nhất 2 người thiệt mạng và hơn 100 người bị bắt.

Đối với nhiều nhà quan sát, cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và dân chủ đầu tiên trong lịch sử của Niger dù sao cũng đáng ghi nhận. Người tiền nhiệm và đồng minh của Tổng thống Bazoum là ông Mahamadou Issoufou đã từ chức sau 10 năm nắm quyền và được trao Giải thưởng Ibrahim cho thành tựu lãnh đạo châu Phi. Ông David Zounmenou - thuộc Viện Nghiên cứu an ninh ở Senegal cho rằng, thiết lập ổn định chính trị và dân chủ là chìa khóa cho Niger. “Ông Mohamed Bazoum phải đối thoại với bên đối lập, một cuộc đối thoại hướng tới những cải tiến mà đất nước cần. Chính phủ phải có phản ứng kịp thời với những thách thức an ninh ảnh hưởng đến người dân và cũng làm suy yếu sự phát triển kinh tế của Niger” - ông David Zounmenou nói.

Bên cạnh đó, theo ông Thomas Schiller từ Tổ chức Konrad Adenauer ở Mali cho hay, chính phủ mới phải xem xét các mối quan tâm của người Niger, đặc biệt là giới trẻ, một cách nghiêm túc. Ông nói: “Ông Bazoum được coi là người theo sát tổng thống tiền nhiệm và do đó là sự tiếp nối của chính phủ hiện tại. Hầu hết ở Niger không coi đây là một sự thay đổi thực sự của giới lãnh đạo”. Nhưng liệu tân tổng thống có thể thu hút giới trẻ của một quốc gia được xếp hạng cuối cùng theo chỉ số phát triển mới nhất của Liên hợp quốc? Điều này phần lớn phụ thuộc vào việc cải thiện tình hình an ninh. Một số người cho rằng các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường hồi tháng 3 chỉ là một phát súng cảnh cáo nhằm vào ông Bazoum.

Ngài cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ Niger là một trong những kiến trúc sư của chiến lược an ninh hiện tại, dựa vào viện trợ quân sự trong khu vực và quốc tế. Cuộc chiến chống khủng bố của Niger phụ thuộc rất nhiều vào Chiến dịch Barkhane của Pháp cũng như các căn cứ không quân do Mỹ vận hành và huấn luyện an ninh quốc tế.

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, Abdoulaye Sounaye - người đứng đầu Viện nghiên cứu về tôn giáo và khủng bố ở Tây Phi tại trung tâm Leibniz ở Berlin, nói: “Ở một khía cạnh nào đó, quân sự hóa thực sự có thể làm suy yếu nhà nước. Thứ nhất, nó quá đắt đối với một quốc gia như Niger. Và thứ hai, sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là từ châu Âu và Pháp, sẽ giảm sút và cuối cùng sẽ dừng lại”.

Ông Sounaye cho rằng, tân Tổng thống Bazoum thay vào đó phải bắt đầu suy nghĩ về phương cách có thể tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại giữa tất cả các bên trong cuộc xung đột. Chủ nghĩa khủng bố, xung đột khu vực và phe đối lập chính trị không thể được phép xâu chuỗi với nhau sau cuộc bầu cử. Nếu không, Niger có thể rơi vào hỗn loạn.