Tan hoang rừng phòng hộ Ea Súp

ANTĐ -  Những cánh rừng phòng hộ Ea Súp tiếp tục bị lâm tặc bao vây, triệt hạ. Cả nghìn ha rừng đã biến khỏi mặt đất chỉ trong thời gian ngắn. Vậy mà, chưa có chủ rừng nào bị xử lý trách nhiệm, và lâm tặc thì vẫn nhởn nhơ.

Ea Súp hiện là một trong những địa phương được xếp vào diện “còn rừng” ở tỉnh Đắc Lắc. Còn rừng, không phải bởi Ea Súp giữ được rừng, mà bởi đất rừng ở đây cằn cỗi, giao thông cách trở và phần lớn rừng thuộc loại “nghèo kiệt”. Thế nhưng, “hết nạc thì vạc đến xương” - khi mà các địa phương khác ở Đắc Lắc đã cơ bản hết rừng, thì lâm tặc đã hướng đến những cánh rừng Ea Súp, trong đó có rừng phòng hộ Ea Súp.

Rừng phòng hộ Ea Súp bị tàn phá

Rừng phòng hộ Ea Súp bị tàn phá
 Rừng phòng hộ Ea Súp bị tàn phá

Ngày 6-3, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Trọng, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ea Súp cho biết: “Toàn huyện hiện còn 137 nghìn ha rừng. Lâu nay, rừng Ea Súp đang chịu nhiều áp lực, trong đó nổi lên là tình trạng di dân tự do kéo đến ngang nhiên xâm hại rừng để lấy đất “lập làng” và “định canh”. Thực tế đã xảy ra những điểm nóng về phá rừng tại các tiểu khu 233, 249, 265 và tiểu khu 271. Thậm chí, có những khu rừng tự nhiên ở xã Cư M’lan bị người dân xâm chiếm lấy đất ở và đất sản xuất, huyện Ea Súp và tỉnh Đắc Lắc không di dời được, đã phải đầu tư xây dựng một thôn mới cho khoảng 600 hộ dân (!). Bên cạnh đó, nhiều chủ rừng sau khi được giao quản lý, bảo vệ rừng; hoặc triển khai các dự án kinh tế-xã hội thì lại buông lỏng quản lý, để rừng và đất lâm nghiệp bị xâm hại vô tội vạ. Điển hình như Công ty Vinamit, tháng 10-2010 được UBND tỉnh Đắc Lắc cho thuê 980 ha rừng thuộc các tiểu khu 249, 295, nằm trong vùng rừng phòng hộ Ea Súp, để thực hiện dự án trồng xen cây mít dưới tán rừng. Nhưng, doanh nghiệp này đã không triển khai dự án như cam kết, và không thực hiện phương án bảo vệ rừng, hậu quả là chưa đến một năm, kể từ ngày được giao 980 ha rừng, đã có hơn 700 ha rừng bị phá trắng. Trước thực trạng đó, đầu năm 2012 này, UBND tỉnh Đắc Lắc đã phải ra quyết định tạm đình chỉ dự án, để làm rõ trách nhiệm của Công ty Vinamit”.

Theo điều tra của chúng tôi, Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Cư Mlan, cũng là một trong những chủ rừng có diện tích rừng bị xâm hại nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc công ty lý giải chuyện mất rừng: “Hiện công ty đang quản lý 13.700 ha rừng thuộc 18 tiểu khu, trong đó có 3.146 ha rừng phòng hộ Ea Súp. Lâm phận đơn vị quản lý, hiện có tới hơn 400 hộ dân di cư tự do xâm lấn, thường xuyên phá rừng làm nương rẫy. Trong khi đó, toàn công ty chỉ có 30 cán bộ, công nhân viên (lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng là 23 người) - quá mỏng so với lâm tặc.

Lâm sản khai thác trái phép bị thu giữ tại Hạt kiểm lâm Ea Súp
 Lâm sản khai thác trái phép bị thu giữ tại Hạt kiểm lâm Ea Súp

Mới đây, 49 hộ dân di cư tự do đã phá trắng và lấn chiếm 150 ha rừng thuộc lâm phần công ty quản lý. Trong khi quyền hạn của công ty lại chẳng đến đâu, ví như khi phát hiện lâm tặc chỉ có quyền bắt giữ đối tượng, mà không có chức năng, nhiệm vụ điều tra, xử lý… nên lâm tặc chẳng sợ chủ rừng. Thậm chí, có vụ khi phát hiện phá rừng, nhưng lực lượng lâm tặc quá đông, hung hăng, thì nhân viên bảo vệ rừng của công ty cũng đành bất lực khoanh tay đứng nhìn!”.

Cũng theo ông giám đốc Công ty Cư Mlan, từ năm 2010 đến nay, không còn chỉ tiêu khai thác gỗ, đồng nghĩa với không có nguồn thu, nên công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính. Việc thả nuôi và khai thác thủy sản trong lòng hồ Ea Súp thượng với diện tích hơn 1.000 ha mặt nước cũng rất bấp bênh - năm được, năm mất do thiên tai bão lũ. Quá khó khăn, công ty đã phải mượn sổ đỏ của cán bộ, nhân viên đem thế chấp ngân hàng lấy tiền trả lương. Hiện mỗi tháng công ty phải chi trả 100 triệu đồng tiền lương.

Dù đã tìm đủ mọi phương cách, mà đến nay Công ty Cư Mlan còn nợ 75 triệu đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nợ hơn 1 tỷ đồng tiền thuế và nợ 600 triệu đồng tiền lương cán bộ, công nhân viên (tương đương 6 tháng, gồm 4 tháng năm 2010 và 2 tháng năm 2012). Chế độ tiền lương èo uột, đã dẫn tới nhiều cán bộ, nhân viên tư tưởng không ổn định, không thiết tha với công việc và thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng.

Được biết, trước thực trạng rừng phòng hộ Ea Súp bị tàn phá, mới đây tỉnh Đắc Lắc đã phải cho phép Công ty Cư Mlan lập dự án trồng lại 250 ha rừng, với kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng, việc giữ rừng phòng hộ Ea Súp lâu nay vốn đã vô cùng khó khăn, thì công tác trồng lại rừng của Công ty Cư Mlan chắc gì đã hiệu quả, có khi mất tiền tỷ mà lại chẳng trồng nổi cây rừng nào (!).

 Ông Nguyễn Đình Toản (bên phải), Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp, trao đổi với báo chí
Ông Nguyễn Đình Toản (bên phải), Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp, trao đổi với báo chí

Theo thống kê của cơ quan chức năng, bình quân mỗi ngày, trên địa bàn huyện Ea Súp có 1 vụ xâm hại rừng bị phát hiện và xử lý. Nhiều điểm nóng về phá rừng đã xảy ra, với hàng nghìn ha rừng bị tàn phá trong thời gian ngắn. Rừng bị phá nghiêm trọng nhất là rừng giao cho cộng đồng, rừng giao cho hộ, nhóm hộ quản lý và rừng giao cho các doanh nghiệp triển khai dự án.

Về biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng, đồng chí Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp khẳng định: Đầu năm 2012 này, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo các chủ rừng, chính quyền các xã, thị trấn thống kê diện tích rừng bị phá để tiến hành xử lý nghiêm đối tượng phá rừng và kiểm điểm trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan, nhằm chấn chỉnh lại công tác giữ rừng. Bên cạnh đó, tỉnh Đắc Lắc và Trung ương sớm hỗ trợ huyện Ea Súp ổn định đời sống cho số dân di cư tự do. Bởi nếu không tổ chức tốt việc quy hoạch, định canh, định cư cho bà con di cư tự do hiện đang sống trong rừng, gần rừng, thì còn xảy ra nhiều điểm nóng về phá rừng, trong đó có cả rừng phòng hộ Ea Súp.

Rừng trên địa bàn Ea Súp nói chung, nhất là rừng phòng hộ Ea Súp có vai trò rất lớn trong điều tiết và giữ nguồn nước cho hồ Ea Súp thượng. Theo thiết kế, hồ Ea Súp thượng có dung tích 146 triệu m3 nước, bảo đảm nước tưới cho hơn 9 nghìn ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho 20 nghìn dân, tổng vốn đầu tư công trình đến thời điểm này lên đến cả nghìn tỷ đồng. Việc để mất rừng phòng hộ Ea Súp sẽ đồng nghĩa với giảm hiệu quả công trình hồ Ea Súp thượng - công trình thủy lợi được xếp vào loại lớn nhất Đắc Lắc hiện nay.