Tận dụng ưu đãi thuế, xuất khẩu tôm sang thị trường CPTPP tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN -  Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang các nước trong khối CPTPP chiếm đến 28,8% giá trị tôm xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay.
Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay

VASEP cho biết, hiện nay, khối các nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) CPTPP vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp tôm Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm sang khối này đạt 383,4 triệu USD, tăng 11,8%, chiếm 28,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Trong đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm và sản phẩm tôm sú nói riêng lớn nhất với tổng giá trị xuất khẩu đạt 230,7 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở dĩ xuất khẩu tôm sang các nước CPTPP tăng trưởng tốt là vì khi Hiệp định có hiệu lực, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào các nước trong khối. Đặc biệt, với Nhật Bản và Canada, các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0%. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ...

Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Australia tăng mạnh 79,2%, đạt hơn 71,8 triệu USD. Riêng tháng 5-2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 17,14 triệu USD, tăng gần 144%.

Ngoài thị trường CPTPP, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và EU. Cho tới nay, xuất khẩu tôm sang hai thị trường này vẫn khá ổn định và tăng trưởng tốt. Cả hai thị trường này đều tăng cường nhập khẩu tôm chân trắng đông lạnh từ Việt Nam.

Hiện Việt Nam là 1 trong 4 nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ (cùng với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia). Hiện sản phẩm tôm Việt Nam đang cạnh tranh khá tốt tại Mỹ. Tính tới hết tháng 5-2021, giá trị XK tôm sang thị trường này đạt 294 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại EU, sản phẩm tôm chân trắng của Việt Nam cũng liên tục tăng thị phần do giá bán thấp hơn so với tôm sú, doanh số bán tăng nhanh hơn so với mức trung bình.